Tin thế giới 21/11: Ông Gorbachev hé lộ về sự sụp đổ của Liên Xô, Syria bị tập kích
Trung Đông
*Sau khi Israel thực hiện nhiều cuộc không kích vào Syria, Bộ Ngoại giao Nga đã đưa ra tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc với động thái này, đồng thời nhấn mạnh rằng điều quan trọng nhất đó là đảm bảo chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ Syria cũng như các nước khác, và “hành động của Israel chỉ làm căng thẳng và nguy cơ xảy ra xung đột quanh Syria gia tăng”.
Vào sáng ngày 20/11, truyền thông Syria cho biết rất nhiều tiếng nổ xảy ra và dưới đất đã có nhiều vụ hỏa hoạn do tên lửa bắn trúng, và sau đó Israel đã xác nhận tấn công “địa điểm đóng quân của Iran”.
Israel đã tiến hành nhiều cuộc không kích ở khu vực phía nam Syria. |
*Một công ty của Israel cũng đã đăng tải một số ảnh chụp vệ tinh cho thấy cảnh tượng trước và sau cuộc không kích tại hai địa điểm được cho là “trụ sở chính” của lực lượng đặc nhiệm Iran đang hoạt động tại Syria. Quân đội Israel khẳng định cuộc tấn công của họ là nhằm đáp trả cho các đợt công kích bằng rocket được cho là thực hiện từ lãnh thổ Syria nhằm vào Israel.
*Các cuộc không kích dữ dội của Israel tại Syria cũng đã khiến một kho chứa vũ khí phòng không của quân đội Syria bị tiêu diệt hoàn toàn và gây ra tiếng nổ lớn. Ngoài ra, nhiều cơ sở hạ tầng quân sự khác của quân đội Syria ở phía nam thủ đô Damascus đã bị oanh kích. Đây được coi là đợt không kích lớn nhất mà Israel từng tiến hành nhằm vào Syria. Trong khi đó, 300 lính Nga đã nhận được lệnh rời Syria để trở về nhà.
*Theo thông tin mới nhất, máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ đã tập kích ở nhiều nơi ở miền bắc Syria khiến ít nhất 5 dân thường thiệt mạng. Trước đó, lực lượng vũ trang người Kurd thuộc Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) cho biết họ đã giao tranh với các nhóm vũ trang đứng về phía quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Đáp lại, quân chính phủ Syria cũng tiến hành các đợt tấn công đáp trả nhằm vào nhiều nhóm vũ trang thân Thổ Nhĩ Kỳ.
Tàu sân bay Mỹ đã xuất hiện ở gần lãnh thổ Iran. |
*Trong một diễn biến khác, tàu sân bay Mỹ USS Abraham Lincoln cùng nhiều tàu hộ tống khác đã đi qua eo biển Hormuz để tiến vào Vịnh Ba Tư và vào vị trí rất gần lãnh thổ Iran. Động thái này diễn ra trong lúc các thành phố lớn ở Iran đang xảy ra nhiều cuộc biểu tình lớn do giá xăng dầu tăng cao, một sự kiện đã ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của Mỹ và vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của nhiều quan chức cấp cao Iran.
Nga
*Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một bài phát biểu mới đây đã nói rằng nguyên nhân dẫn đến sự tan rã của Liên Xô cũ là do “chính sách kinh tế kém hiệu quả”, dẫn đến “sự phá sản trong lĩnh vực xã hội và đã kéo hậu quả sang lĩnh vực chính trị”. Đáp lại, cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev nói rằng điều cần làm khi đó là dân chủ hóa và tiến hành cải cách, và rằng các nước thuộc Liên Xô cũ cần phải nhớ lịch sử của mình và cần phải phát triển cùng nhau.
*Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ không có ý định mua thêm hệ thống phòng không của Nga, mặc dù khẳng định sẽ không từ bỏ thương vụ S-400 đã ký và chịu nhiều sức ép vì nó. Phát ngôn viên Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin nói rằng “hệ thống phòng không S-400 không phải là thứ đe dọa tới sự tồn tại của chương trình F-35 như những cáo buộc đã được đưa ra” nhưng lúc này Thổ Nhĩ Kỳ “chưa có bất cứ cuộc thảo luận nào liên quan tới việc ký kết hợp đồng mua thêm S-400” với Nga.
Hệ thống tên lửa S-400 của Nga. |
Châu Á
*Quốc hội Mỹ mới đây đã thông qua hai đạo luật có nội dung ủng hộ người biểu tình ở Hong Kong. Đạo luật đầu tiên có nội dung công nhận Hong Kong là một thực thể riêng biệt với Trung Quốc và sẽ trừng phạt bất kỳ cá nhân nào vi phạm chủ quyền ở Hong Kong. Đạo luật thứ hai cấm việc xuất khẩu khí hơi cay, bình xịt hơi cay, đạn cao su và súng điện tới Hong Kong.
*Vì sao tàu chiến Pháp xuất hiện tại Biển Đông 6,7 hoặc 10 lần trong một năm? Tham mưu trưởng Hải quân Pháp Christophe Prazuck lý giải rằng: “Chúng tôi tới Biển Đông là vì luật biển quốc tế ở khu vực đang bị đe dọa. Chúng tôi không muốn can dự vào tình hình khu vực liên quan đến các đảo. Chúng tôi đến đó và sẽ tiếp tục đến bằng hành động của mình nhằm hỗ trợ đảm bảo quyền tự do hàng hải”. Thời gian gần đây, Pháp đã nhiều lần chỉ trích hành động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.