Tin thế giới 19h30: Nga - Thổ làm hòa, cục diện Syria sẽ thay đổi
Nga - Thổ Nhĩ Kỳ
*Vào ngày 9/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã gặp mặt trực tiếp tại thành phố cảng St. Petersburg (Nga). Tại đây nguyên thủ hai nước đã tuyên bố hàn gắn những rạn nứt do vụ máy bay Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi phi cơ Nga vào tháng 11 năm ngoái. Ông Putin cho biết, hai bên đã nỗ lực xóa bỏ những tranh cãi trước đây “vì lợi ích lâu dài và để củng cố tình đoàn kết giữa hai nước láng giềng”.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay nhau tại thành phố St. Petersburg (Nga). |
Đây là lần gặp mặt đầu tiên của nguyên thủ hai nước sau vụ đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra vào tháng 7 vừa qua. Thổ Nhĩ Kỳ không hài lòng khi bị các nước phương Tây dội gáo nước lạnh, trong khi Nga đã hỗ trợ rất nhiều cho nước này. Không chỉ tuyên bố nối lại quan hệ ngoại giao và kinh tế, Tổng thống Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã bàn về các cách giải quyết tình trạng xung đột ở Syria.
*Sau khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nối lại quan hệ, cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev nói rằng lãnh đạo hai nước đã hành động đúng và sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên cũng như cho thế giới. Trước đó, Tổng thống Erdogan đã gửi công điện xin lỗi chính phủ Nga về vụ bắn rơi máy bay chiến đấu của Nga khi đang làm nhiệm vụ ở Syria, và nhiều dự án kinh tế do hai nước cùng thực hiện đã được khôi phục trở lại.
*Mặc dù Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier bác bỏ khả năng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thành lập liên minh quân sự,các chuyên gia chính trị tin rằng Đức và NATO thực tế đang lo sợ hai nước này ngày càng hợp tác chặt chẽ hơn trong bối cảnh quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và NATO đang xấu đi sau âm mưu đảo chính ngày 15/7. Dù vậy, việc Nga và Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần nhau sẽ cho phép thúc đẩy quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria.
Mỹ
*Một loạt các thành viên chủ chốt trong đảng Dân chủ Mỹ đã lên tiếng chỉ trích ông Donald Trump, sau khi tỉ phú người Mỹ và là ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa có những phát ngôn nhằm ám chỉ những người sử dụng súng nên hành động trước khi bà Hillary Clinton xóa bỏ quyền sở hữu súng.
Ông Donald Trump sẽ phải cần đến một bước ngoặt lớn mới có thể qua mặt bà Hillary Clinton. |
Một Thượng nghị sĩ Mỹ đã gọi những phát biểu của ông Trump là “lời đe dọa ám sát” và cho rằng trong số những người nghe ông Trump nói có cả “những kẻ có tâm thần không ổn định có súng trong tay và có tư tưởng thù ghét bà Hillary Clinton”. Một người khác gọi ông Trump là “kẻ hèn nhát” và không chấp nhận sự thật rằng tỉ phú người Mỹ “đang thua một phụ nữ trong cuộc tranh cử Tổng thống”.
*Việc vướng vào một sự việc gây tranh cãi mới có thể ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của ông Trump, trong bối cảnh ông đang thua bà Clinton trong các cuộc khảo sát về độ tín nhiệm. Theo báo Washington Post, ông Trump sẽ cần một “phép màu” mới có thể vượt mặt bà Clinton trong cuộc bầu cử toàn quốc sẽ diễn ra vào tháng 11 tới, khi ngay vào thời điểm hiện tại số người bày tỏ sự ủng hộ đối với cựu Ngoại trưởng Mỹ đang hơn ông Trump rất nhiều.
*Ở châu Âu, mặc dù truyền thông các nước thường mô tả rất tích cực về bà Clinton và tỏ ra không mấy thiện cảm với ông Trump, một số ý kiến trái chiều đã xuất hiện. Ông Lars Eriksson, tổng biên tập của một tờ báo Thụy Điển nhận định rằng bà Clinton là một con người “hiếu chiến” và chịu trách nhiệm cho tình trạng bất ổn tại Iraq, Libya và Syria hiện nay. Ông Eriksson cũng cảnh báo rằng nếu nội chiến bùng nổ ở Thổ Nhĩ Kỳ, phương Tây sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng còn nghiêm trọng hơn hiện tại.
*Cựu phó giám đốc CIA Michael Morell, người đã tuyên bố ủng hộ bà Clinton, mới đây đã tiết lộ rằng ông muốn Iran và Nga phải “trả giá đắt ở Syria” bằng cách thức bí mật tiêu diệt binh lính đang làm nhiệm vụ của hai quốc gia này. Không chỉ có vậy, ông cũng muốn Mỹ không kích văn phòng Tổng thống Syria Bashar al-Assad nhằm “đánh vào biểu tượng sức mạnh của ông Assad, gây sức ép lên Iran và Nga để đạt được mục đích cuối cùng”.
Cựu phó giám đốc CIA Michael Morell. |
Syria
*Một số tin tức đáng chú ý liên quan đến Syria bao gồm: EU đang kiểm tra dữ liệu về các hoạt động cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy Syria; IS vội vàng vận chuyển tài liệu quan trọng từ Mosul (Iraq) tới Raqqa (Syria); Không quân Nga và Syria tấn công đoàn xe của một số nhóm vũ trang tại thành phố Aleppo v.v…
Bí ẩn MH370
*Dựa trên những tín hiệu cuối cùng phát ra từ máy bay, các chuyên gia hàng không cho rằng máy bay đã đâm xuống biển “với tốc độ cực nhanh” khi hết nhiên liệu và hai động cơ đã bị hỏng hoàn toàn. Trong khi đó, Cơ quan An toàn Giao thông Australia cho biết máy bay có thể đã bị mất lái hoàn toàn khi gặp nạn.
Máy bay Boeing mang số hiệu MH370 của hãng Malaysia Airlines đã biến mất khỏi rađa vào ngày 08/03/2014 khi đang trên đường từ thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) tới Bắc Kinh, và đến nay vẫn chưa được tìm thấy.