Tin thế giới 19h: Nga liên tiếp phải chống đỡ "thái độ khó chịu" từ phương Tây
Mỹ
*Vào ngày 2/2, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố chính phủ Mỹ đang xem xét tăng gấp 4 lần đầu tư quân sự vào châu Âu, nhằm tăng cường sự hiện diện của Quân đội Mỹ tại đây cũng như để đối phó với Nga. Cụ thể, ông Carter cho biết: “Sau khi đã chi 800 triệu USD vào các mục đích này trong năm 2015, chúng tôi sẽ gia tăng khoản chi phí này thêm hơn 4 lần nữa, khoảng 3,4 tỷ USD vào năm 2017”.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. |
Ông Carter cho rằng, động thái này sẽ giúp Mỹ có kinh phí để có thêm nhiều binh sĩ và loại khí tài hơn, đồng thời tiến hành tập trận thường xuyên hơn với các nước NATO.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Carter cũng cho biết Không quân Nga đã “bày tỏ thái độ chuyên nghiệp” trong việc phối hợp hoạt động không kích với Mỹ. “Hai bên đã có nhiều cuộc đàm thoại để đảm bảo các chiến dịch không kích diễn ra an toàn”, ông nói. Mặc dù hai bên đã đạt được thỏa thuận tránh va chạm trên không khi không kích, Mỹ và Nga đều không muốn chia sẻ thông tin chiến dịch của nhau.
*Mỹ và Nga có đạt được “thỏa thuận ngầm” về vấn đề Syria hay không? Theo Thư ký báo chí Mỹ tại Liên Hợp Quốc là ông Paul Patin, giữa hai nước không hề ký kết bất kỳ văn bản giao ước nào về vấn đề giải quyết khủng hoảng ở Syria. Tuy nhiên, thông tin này đã xuất hiện trên rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc hội đàm. |
Theo đó, nhiều khả năng Nga sẽ chấp nhận để cho Ukraine gia nhập EU, đổi lại Mỹ phải chấp nhận các điều kiện của Nga đặt ra như để Donbass được quyền tự trị rộng rãi và được quyền giải quyết tình hình Syria theo ý mình.
Nga
*Sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên bố kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng cho Quân đội Mỹ ở châu Âu lên gấp 4 lần, đồng thời công bố đưa thêm các loại khí tài hiện đại đến vùng Đông Âu, Nga đã bày tỏ sự phẫn nộ sâu sắc. Đại sứ quán Nga tại Mỹ đưa ra thông cáo viết rằng: “Theo ý kiến của chúng tôi, những gì mà Mỹ và NATO đang làm đang khiến an ninh châu Âu trở nên bất ổn. Chắc chắn Nga sẽ phải có những biện pháp để bảo vệ người dân và lợi ích quốc gia của mình”.
Không những vậy, Nga cho biết Mỹ vi phạm Thỏa thuận Sáng lập Quan hệ Nga – NATO được ký kết vào năm 1997, theo đó hai bên không được phép triển khai quân đội quy mô lớn gần nhau.
Nga bày tỏ sự không hài lòng trước động thái tăng ngân sách cho Quân đội Mỹ ở Châu Âu của Mỹ. |
Kể từ sau khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga và xung đột ở miền Đông Ukraine xảy ra, các nước NATO luôn lo sợ Nga sẽ có hành động gây hấn. Nhà Trắng khẳng định rằng họ “đang tái khẳng định cam kết bảo vệ an ninh và chủ quyền lãnh thổ của các nước đồng minh”. Một số quan chức Mỹ giấu tên cho biết động thái này không nhằm mục đích gây sức ép lên Nga mà là do “những thách thức mà các nước thành viên NATO phải đối mặt từ phía Đông và phía Nam”.
*Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ Faruk Chelik cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giáng “đòn đau” lên Nga sau khi Moscow áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt kinh tế đối với nước này. Một trong những biện pháp mà Ankara có thể làm đó là cấm các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu lúa mạch từ Nga.
Quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã rạn nứt kể từ sau khi máy bay chiến đấu Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi. |
Ông Chelik cho biết, hiện tại kim ngạch nhập khẩu lúa mạch từ Nga của Thổ Nhĩ Kỳ có giá trị 1,1 tỉ USD/năm, trong khi Nga ngừng nhập khẩu rau quả hoàn toàn từ Thổ Nhĩ Kỳ, khiến nước này thiệt hại 750 triệu USD. Do đó kinh tế Nga sẽ chịu tổn thất hơn nếu Thổ Nhĩ Kỳ ngừng nhập lúa mạch từ Nga. Ông Chelik nói thêm, nước này vẫn chưa áp dụng lệnh cấm trên “do không muốn người nông dân phải trả giá vì những gì sắp diễn ra”.
Quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên xấu đi sau vụ máy bay chiến đấu của Nga bị bắn rơi ở Syria do cáo buộc vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó, Nga đã áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Châu Á
*Sau cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân diễn ra vào đầu tháng 1 vừa qua, mới đây Triều Tiên tuyên bố họ sẽ phóng vệ tinh lên không gian. Đông thái này ngay lập tức nhận được sự phản đối từ Hàn Quốc và Nhật Bản, khi họ cho rằng sự kiện này thực chất là nhằm che giấu một cuộc thử nghiệm tên lửa tầm xa mới. Trước đây, Triều Tiên đã từng có động thái tương tự vào năm 2012.
Triều Tiên liệu sẽ tiếp tục thử nghiệm tên lửa tầm xa? |
Hoạt động thử nghiệm của Triều Tiên đã được Mỹ phát hiện từ sớm. Vệ tinh Mỹ đã ghi lại những hoạt động tại một bãi phóng tên lửa của Triều Tiên, cho thấy nước này đang chuản bị nguyên liệu và thiết bị cần thiết.
*Trong dịp nghỉ lễ Tết Nguyên Đán ở Trung Quốc, 22 chuyến tàu của nước này đã phải tạm ngừng hoạt động do bão tuyết. Kết quả, hàng chục, hàng trăm nghìn người đã bị kẹt lại ở các ga tàu của thành phố lớn của Trung Quốc.
Ước tính trong dịp Tết năm 2016, Trung Quốc có khoảng 2,9 tỉ lượt người đi lại, trong đó có 332 triệu người sử dụng phương tiện tàu hỏa.
IS
*Trong cuộc họp cấp cao giữa các quan chức các nước tham gia chống IS, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đưa ra những đánh gia về hiệu quả hoạt động của liên quân. Ông Kerry cho biết, kể từ cuộc họp trước diễn ra vào tháng 6/2015, IS đã mất thành phố Ramadi (Iraq), đồng thời tổ chức này đã mất một phần lớn lãnh thổ tại Syria và Iraq.
Tuy nhiên, ông cũng đưa ra lời cảnh báo rằng IS đang hoạt động tràn lan ở Libya. “Tại Libya, chính phủ thống nhất vẫn chưa được thành lập. Đó là một quốc gia có tài nguyên trù phú. Chúng ta không thể để một tổ chức khủng bố cực đoan thu về hàng tỉ USD nhờ các mỏ dầu của Libya”, ông Kerry nói. Điều này cũng phản ánh thực trạng IS đang lan ra nhiều nước khác trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi.