Tin Thế giới 18h30: Ukraine sẽ sớm lập lại hòa bình?
Biển Đông:
Vào 9h30 ngày 23/6, tàu kiểm ngư 951 của Việt Nam đã bị 7 tàu của Trung Quốc bao vây, sử dụng tốc độ cao áp sát, phun vòi rồng với áp lực lớn, đâm va và ngăn cản tàu 951 thực thi pháp luật.
Trung Quốc vẫn trái phép găn cản các tàu chấp pháp của Việt Nam thực thi nhiệm vụ trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. |
Trong ngày 23/6, các tàu hải cảnh, hải giám và tàu kéo của Trung Quốc vẫn thường xuyên có hành động ép hướng, tăng tốc độ bám sát các tàu của ta ở khoảng cách từ 20 - 70m, ngăn cản quyết liệt ở khu vực cách giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép 10-12 hải lý.
Khi nhận tin tàu kiểm ngư 951 bị các tàu Trung Quốc đâm va, tàu Cảnh sát biển 8003 đã nhận lệnh cơ động, lập tức tiến đến vị trí của tàu kiểm ngư 951 để ứng cứu.
Tuy nhiên, 5 tàu của Trung Quốc bao gồm 4 tàu hải cảnh và 1 tàu kéo đã tổ chức đội hình dùng tốc độ cao khoảng 20 hải lý/giờ áp sát và hú còi ngăn cản tàu CSB 8003 đến tiếp cận khu vực tàu kiểm ngư 951. Đến tận 14h30, tàu CSB 8003 mới tiếp cận được tàu KN951.
Ukraine:
Theo tờ Nước Nga Ngày nay (RT), hôm 23/6, lực lượng ly khai Donetsk đã đồng ý ngừng bắn đến 10h sáng ngày 27/6 (giờ địa phương). Cùng với lệnh ngừng bắn của Tổng thống Ukraine, Donestk đã có lệnh ngừng bắn song phương.
Chốt chặn của quân đội chính phủ Ukraine tạiAmvrosievka thuộc vùngDonetsk. |
Trước đó, các đại diện của Ukraine, Nga và OSCE đã tập trung tại Donetsk để thảo luận về các biện pháp giải quyết xung đột.
Cựu Tổng thống Ukraine Leonid Kuchma đã xác nhận thông tin ngừng bắn từ cả hai bên. Phát biểu sau khi tham gia đàm phán tại Donetsk hôm 23/6, ông Kuchma cho biết: “Chúng tôi đã thống nhất được lệnh ngừng bắn song phương đến 10 giờ ngày 27/6”.
Tuy nhiên, các lực lượng chính phủ Ukraine cáo buộc lực lượng ly khai thân Nga vẫn tiếp tục bắn phá nhiều chốt kiểm soát của quân đội chính phủ tại một số khu vực miền đông vào đêm 23/6 bất chấp việc tuyên bố ngừng bắn trước đó.
Thái Lan:
Hôm nay (24/6), cựu Chủ tịch đảng Puea Thai (đã bị lật đổ), Jarupong Ruangsuwan tuyên bố thành lập nhóm đối lập chính thức đầu tiên phản đối chính quyền quân sự được thành lập sau cuộc đảo chính tại Thái Lan.
Cuộc đảo chính tại Thái Lan vấp phải sự phản đối của nhiều đảng phái trong nước. |
Ông Jarupong sẽ lãnh đạo "Tổ chức những người Thái tự do vì nhân quyền và dân chủ", sống lưu vong tại một số quốc gia. Tuyên bố của ông Jarupong có khả năng sẽ thu hút sự tham gia của nhiều nhà lãnh đạo bất đồng chính kiến sinh sống tại trong và ngoài Thái Lan.
Ông Jarupong đã lên tiếng chỉ trích cuộc đảo chính là "ăn cắp nghiêm trọng". "Chính quyền quân sự đã vi phạm luật pháp, lạm dụng các nguyên tắc dân chủ và phá hoại quyền lợi, tự do và nhân phẩm của người dân", tờ Channel News Asia dẫn lời ông Jarupong.
Hàn Quốc:
Chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tiếp tục chịu sóng gió khi hôm nay (24/6), ứng cử viên Thủ tướng Moon Chang-keuk quyết định rút lui sau khi dư luận chỉ trích ông này có quan điểm "thân Nhật Bản".
ÔngMoon Chang-keuk trở thành ứng cử viên Thủ tướng thứ hai tại Hàn Quốc xin rút lui trong chưa đầy 1 tháng. |
Quyết định rút lui khỏi danh sách ứng cử viên Thủ tướng của ông Moon đã được công bố dù chỉ 2 tuần trước đó Tổng thống Park xướng tên ông này trong cuộc họp cải tổ nhân sự Nội các nhằm giành lại lòng tin của dân sau vụ chìm phà Sewol hồi tháng Tư.
"Tôi muốn trợ giúp Tổng thống Park Geun-hye. Song, trong tình cảnh hiện nay, tôi nghĩ cách giúp Tổng thống là tôi nên rút lui. Ngày hôm nay, tôi tự nguyện rút tên khỏi ứng cử viên Thủ tướng", ông Moon chia sẻ.
Ông Moon là ứng cử viên Thủ tướng Hàn Quốc thứ hai xin rút lui khỏi danh sách đề cử trong vòng chưa đầy một tháng. Trước đó, hôm 28/5, Tổng thống Park đã chọn ông Ahn Dai-hee làm Thủ tướng. Nhưng ông này cũng đã xin rút lui dưới sức ép của sự chỉ trích, nghi ngờ ông này tham ô khi còn làm luật sư hồi năm ngoái.
Iraq:
Nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIS) đã vượt mặt al-Qaeda để trở thành tổ chức thánh chiến hùng mạnh và nguy hiểm nhất thế giới.
Nhà máy lọc dầutại thành phố Baiji của Iraq đã thuộc về tay lực lượng ISIS. |
Theo BBC, hôm nay (24/6), các tay súng ISIL cho biết họ đã kiểm soát được hoàn toàn nhà máy lọc dầu chính tại thành phố Baiji. Trong suốt 10 ngày qua, các tay súng ISIS đã giao tranh ác liệt với lực lượng chính phủ Iraq để chiếm nhà máy lọc dầu này - hiện cung cấp 1/3 tổng lượng dầu qua xử lý tại Iraq.
Ngoài ra, ISIS còn chiếm được vùng lãnh thổ phía bắc và tây thủ đô Baghdad của Iraq, đồng thời đang lăm le tiến về thủ đô nước này. Ngay cả những chốt biên giới giữa Iraq với Syria và Jordan cũng đang nằm dưới sự kiểm soát của ISIS.
Syria
Trong cuộc họp báo hôm 23/6, Tổng giám đốc tổ chức OPCW Ahmet Üzümcü cho biết: "Toàn bộ số vũ khí hóa học đã được di chuyển ra ngoài lãnh thổ Syria".
TàuArk Futura của Đan Mạch giúp vận chuyển các chất hóa học khỏi Syria tại khu vực phía đông biển Địa Trung Hải hôm 13/5. |
Quá trình tiêu hủy các chất hóa học nguy hiểm nhất sẽ diễn ra tại vùng hải phận quốc tế trên biển Địa Trung Hải trên con tàu mang tên "Cape Ray" của Mỹ.
Ngoài ra, những chất hóa học ít nguy hiểm hơn sẽ được tiêu hủy tại các cơ sở đặc biệt tại Phần Lan và Mỹ.