Tin thế giới 18h30: Quan hệ Nga – Ukraine nóng trở lại vì Crimea
Tổng thống Ukraine Poroshenko và Tổng thống Nga Putin. |
Căng thẳng Nga - Ukraine
*Cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB) cho biết họ đã đập tan một âm mưu tấn công vũ trang của các lực lượng đặc nhiệm Ukraine nhằm vào cơ sở hạ tầng trọng yếu trên bán đảo Crimea. Các vụ xung đột đã làm một binh lính Nga và một nhân viên FSB thiệt mạng... Đọc chi tiết tại đây…
*Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng Ukraine lựa chọn sự khủng bố thay vì hòa bình và họ đang chơi một trò chơi vô cùng nguy hiểm, sau khi Cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB) cho biết đã đập tan hàng loạt âm mưu tấn công vũ trang của Kiev nhằm vào khu vực Crimea.
Phát biểu tại Moskva, ông Putin gọi hành động của Kiev là "tội ác" và "ngu xuẩn", đồng thời cho rằng không có lý do gì để tổ chức đối thoại về tiến trình hòa bình tại miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, Kiev đã phủ nhận các cáo buộc của FSB…Đọc chi tiết tại đây…
*Đại sứ Ukraine tại Liên hợp quốc Volodymyr Yelchenko cho biết nước này sẽ đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) tổ chức một cuộc họp khẩn, nếu như căng thẳng tiếp tục leo thang sau khi Nga cáo buộc Kiev dàn xếp âm mưu tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng của khu vực Crimea.
Trả lời báo giới, ông Yelchenko nhấn mạnh: "Chúng tôi sẵn sàng trước bất cứ những diễn biến khiêu khích nào. Khả năng triệu tập một cuộc họp của HĐBA LHQ đang được cân nhắc. Khi mọi thứ đến giới hạn, chúng tôi sẽ làm điều đó ngay lập tức".
*Ngày 11/8, Phó Thủ tướng chính quyền bán đảo Crimea Ruslan Balbek kêu gọi khai trừ Ukraine khỏi Liên hợp quốc (LHQ) và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) sau âm mưu khủng bố tại bán đảo này.
Trả lời hãng tin Ria Novosti, ông Balbek nói: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước văn minh thống nhất quan điểm, không chỉ lên án chính quyền Ukraine mà còn khai trừ ngay lập tức nước này khỏi LHQ và OSCE, vì đây là các tổ chức ủng hộ an ninh trên thế giới chứ không phải gây hấn chống lại người dân hòa bình, việc mà chính quyền Kiev đang tiến hành”….
Tình hình Syria
*Ngày 10/8, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố Washington sẽ hoan nghênh việc ngừng bắn tại Syria để tạo điều kiện cho các hoạt động cung cấp hàng viện trợ nhân đạo.
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Obama. |
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Elizabeth Trudeau tuyên bố Mỹ sẽ hoan nghênh mọi sự ngừng bắn nhằm tạo điều kiện cho việc cung cấp các mặt hàng viện trợ nhân đạo thiết yếu, song nhấn mạnh một lệnh ngừng bắn như vậy cần phải được tất cả các bên giám sát.
*Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố một lệnh ngừng bắn hàng ngày sẽ được áp dụng tại thành phố Aleppo của Syria, bắt đầu từ ngày 11/8, nhằm cho phép các đoàn xe chở hàng viện trợ nhân đạo có thể vào thành phố này một cách an toàn.
Tướng Sergei Rudskoi cho biết lệnh ngừng bắn sẽ kéo dài 3 giờ đồng hồ mỗi ngày (từ 10 giờ sáng đến 1 giờ chiều theo giờ địa phương). Mọi hoạt động quân sự, không kích và pháo kích sẽ tạm dừng trong khoảng thời gian trên và Nga cùng nhà chức trách Syria sẽ sẵn sàng giúp đỡ mọi tổ chức có nhu cầu vận chuyển hàng viện trợ tới cư dân thành phố Aleppo.
*Ngoài ra, Moscow chờ đợi phản ứng của Washington trước lời kêu gọi tiêu diệt binh lính Nga ở Syria; Kênh truyền hình Sky News bị lật tẩy sự dối trá liên quan tới sự xuất hiện của lính đánh thuê người Nga ở Syria; IS đang tiến hành diệt chủng tại Iraq và Syria…là những tin nổi bật về chiến sự Syria… Đọc chi tiết tại đây.
Tình hình Biển Đông
Theo Nikkei, Các nhà ngoại giao hàng đầu của Nhật Bản và Hoa Kỳ đang có nhiều động thái nhằm xây dựng mối quan hệ cá nhân gần gũi với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte với hi vọng đưa nhà lãnh đạo này xích lại lập trường của họ về tranh chấp Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ Kerry. |
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry cũng đã nói chuyện với Duterte ở Manila vào cuối tháng 7, sau phiên họp của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Lào. Tại thời điểm đó, ông Duterte đã tuyên bố sẽ đàm phán với Trung Quốc về phán quyết của tòa PCA.
Ông Kerry trong các cuộc hội đàm đã cho biết Hoa Kỳ sẽ cung cấp 32 triệu USD hỗ trợ cho chính phủ Philippines. Còn ông Kishida cũng hi vọng sẽ thúc đẩy sự ủng hộ của Nhật Bản đối với dự án xây dựng đường sắt tại Manila và nhiều dự án khác trong cuộc họp ngày 11/8.
Nhật Bản và Hoa Kỳ đang cố gắng không để ông Duterte quá gần gũi với Trung Quốc. Ông Duterte đã cử cựu Tổng thống Fidel Ramos, người có nhiều mối quan hệ với Trung Quốc, làm một đặc phái viên đến Hồng Kông ngày 8/8 để giải quyết tranh chấp Biển Đông. Trước đó, ông Duterte đã có kế hoạch sẽ đàm phán song phương với Bắc Kinh để thuyết phục Trung Quốc không ngăn cản ngư dân Philippines tới bãi cạn Scarborough.