Tin thế giới 18h30: Phương Tây tập trận đối phó với Nga
Mỹ
*Sau khi hai đối thủ chính trong đảng Cộng hòa là Thượng nghị sĩ Ted Cruz và John Kasich tuyên bố rời khỏi cuộc tranh cử, tỉ phú Mỹ Donald Trump gần như chắc chắn đã bước vào vòng tiếp theo của cuộc bầu cử Tổng thống. Trước sự kiện này, rất nhiều nghị sĩ cũng như những người ủng hộ đảng Cộng hòa cảm thấy bối rối. Có người đã buộc phải ủng hộ ông Trump, nhưng rất nhiều người đã có ý định bầu cho bà Hillary Clinton, ứng cử viên đảng Dân chủ, nếu bà đi tiếp vào vòng tiếp theo.
Ông Donald Trump đã trở thành ứng cử viên duy nhất của đảng Cộng hòa tham gia tranh cử Tổng thống. |
*Một trong những nguyên nhân nhiều người tỏ ra nghi ngại trước khả năng ngồi vào ghế Tổng thống của ông Trump là bởi ông có những phát ngôn mạnh mẽ, cách làm chiến dịch tranh cử khác thường và sự thiếu kinh nghiệm trong việc làm chính trị. Sau chiến thắng tại bang Indiana, tỉ phú người Mỹ đã tuyên bố sẽ trao đổi trực tiếp qua điện thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong lúc Washington cáo buộc Nga cho máy bay bay sát tàu chiến và máy bay của Mỹ.
Ông Trump cho biết quan hệ giữa ông và Tổng thống Putin “tương đối tốt”, và rằng ông không muốn phải dùng biện pháp mạnh. Mặc dù máy bay chiến đấu của Nga không được trang bị vũ khí khi áp sát tàu của Mỹ, phương Tây tin rằng đây là chiến lược nhằm chứng minh rằng Nga có thể giao chiến khi cần thiết.
Syria
*Một cố vấn nhân quyền Liên Hợp Quốc cho biết, Mỹ và các nước phương Tây đã thổi phồng sức mạnh quân sự của các nhóm đối lập ở Syria. Người này cho biết, phe đối lập rất yếu về mặt quân sự và có quân số rất ít, không chỉ có vậy, phần lớn lực lượng đối lập ở Syria hiện nay là những phần tử Hồi giáo cực đoan, đến từ các tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Mặt trận Nusra, Jaish al-Islam và Ahrar al-Sham. Vị cố vấn này nói thêm, Mỹ đã cung cấp vũ khí trực tiếp và gián tiếp cho các lực lượng Hồi giáo trong nhiều thập kỷ qua và tại Syria, mọi chuyện lại tiếp diễn tương tự.
Một binh lính quân nổi dậy ở Syria. |
*Vào ngày 5/5, một trại tị nạn gần thành phố Aleppo, phía Bắc Syria đã hứng chịu một cuộc không kích không rõ do bên nào thực hiện. Theo ước tính ban đầu, đã có khoảng 30 người, trong đó có phụ nữ và trẻ em, thiệt mạng và 80 người bị thương trong vụ tấn công này. Cho đến nay vẫn chưa có bên nào đứng ra nhận trách nhiệm cuộc không kích này, và một số nước đã vội vàng chỉ trích quân chính phủ Syria mặc dù chưa có bằng chứng xác thực.
*Ngoài ra, một số tin tức khác liên quan đến Syria bao gồm: Iran tin rằng Tổng thống Assad là người lãnh đạo hợp pháp của Syria và sẽ tiếp tục giúp đỡ chính phủ và người dân Syria chống lại chủ nghĩa khủng bố; IS cải tiến bom tự nổ để tiến hành khủng bố; Thỏa thuận ngừng bắn tại Aleppo, có hiệu lực từ ngày 3/5 đã bị vi phạm nhiều lần; IS chiếm được một mỏ khí đốt ở miền Đông Syria.
Ukraine
*Tình trạng tham nhũng ở Ukraine vẫn chưa được giải quyết triệt để, và nhiều người Ukraine đã kêu gọi Mỹ và các nước EU áp đặt thêm lệnh trừng phạt đối với những quan chức bị nghi ngờ liên quan đến tham nhũng và những trùm tài phiệt đang ảnh hưởng tiêu cực đến chính trường. Mặc dù Mỹ và EU đã từng áp đặt lệnh cấm vận đối với 80 quan chức thuộc chính quyền Tổng thống Viktor Yanukovych trước đây, trong chính phủ Ukraine vẫn còn rất nhiều thành phần tha hóa. Phương Tây đã nhiều lần kêu gọi chính quyền Kiev đẩy mạnh cải cách và các hoạt động chống tham nhũng, song cho đến nay quá trình này vẫn diễn ra rất chậm chạp.
NATO
*Sau khi tướng Curtis M. Scaparrotti trở thành Tư lệnh Quân đội NATO, thay thế tướng Philip M. Breedlove, ông Scaparrotti đã phát biểu rằng khối quân sự đang cần một lực lượng vũ trang cơ động nhằm đối phó với Nga. Trong tháng 5 này, Mỹ và các nước Đông Âu sẽ liên tục tổ chức các cuộc diễn tập quân sự gần biên giới Nga. Động thái này diễn ra sau khi các nước phương Tây cáo buộc Nga cho máy bay chiến đấu áp sát tàu chiến và phi cơ của Mỹ, đồng thời tuyên bố sẽ có biện pháp mạnh nếu Phần Lan gia nhập NATO.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Âhmet Davutoglu (ngoài cùng bên phải) đã từ chức vào ngày 5/5. |
Thổ Nhĩ Kỳ
*Ngày 5/5, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã tuyên bố từ chức. Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ chọn ra người thay thế ông Davutoglu trong phiên họp ngày 22/5 tới. Một số nguồn tin cho biết, quan hệ giữa ông Davutoglu và Erdogan đã trở nên căng thẳng do hai người có nhiều bất đồng về những chính sách kinh tế cũng như vấn đề người Kurd. Động thái này được coi là dấu hiệu cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đang dần trở thành một chế độ chuyên quyền, khi quyền lực của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang ngày càng lớn, còn quyền hạn của Quốc hội đang ngày càng hạn chế, khiến khủng hoảng chính trị trở nên ngày càng trầm trọng hơn.