Tin thế giới 18h30: Mỹ chọc tức Trung Quốc bằng tên một con đường
Ukraine:
*Các nhà lãnh đạo Nga, Pháp, Đức, Ukraine đã gặp gỡ tại một cuộc họp hôm thứ Tư (25/6) nhằm kêu gọi một lệnh ngừng bắn kéo dài có hiệu lực ngay lập tức để cứu vãn tình hình hiện nay.
Song song với cuộc gặp của các nhà lãnh đạo các quốc gia, Ủy viên Năng lượng Liên minh châu Âu Gunther Oettinger cho biết, ông đã liên lạc với Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak và Bộ trưởng Năng lượng và Công nghiệp than Ukraine Yury Prodan. Các bên đều đã đồng ý và hứa hẹn sớm thông qua ngày giờ cho cuộc đàm phán.
Nga:
*Theo hãng tin RT, kết quả khảo sát của Tổ chức Ý kiến cộng đồng cho thấy 2/3 người dân Nga đánh giá những chính sách mà ông Putin thi hành hoàn toàn phù hợp với lợi ích quốc gia. Theo đó, kết quả khảo sát hồi tháng Sáu năm nay cho thấy 66% người dân Nga "yêu mến" ông Putin. Kết quả này hồi tháng 9/2012 là 36%.
Tổng thống NgaVladimir Putin. |
Thậm chí, nhiều người Nga nhận định ở cương vị Tổng thống, ông Putin đã làm được những việc mà người dân kỳ vọng như thời điểm tổ chức cuộc bầu cử cách đây 2 năm. Ngoài ra, 55% người dân Nga tham gia cuộc điều tra cho rằng trong nhiệm kỳ thứ 3, ông Putin đã đảm nhận cương vị của mình tốt hơn cả 2 nhiệm kỳ trước.
*Nga vẫn đang quan sát tình hình Ukraine và sẽ không đứng nhìn bạo lực nếu bạo lực tiếp tục diễn ra, người đại diện của thượng viện Nga, tức hội đồng Liên bang, bà Valentina Matvienko cho biết vào hôm 25/6.
Bà Matvienko cũng lặp lại những phát biểu bởi tổng thống Putin từ trước đó, nhấn mạnh rằng Moscow sẽ luôn bảo vệ những người nói tiếng Nga và những người dân Ukraine gắn bó với văn hoá và ngôn ngữ Nga.
Iraq:
*Theo hãng tin Reuters, Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki, người đang đấu tranh để giữ chức vị và chịu sức ép từ cộng đồng quốc tế về việc thành lập một "chính phủ toàn diện hơn", đã lên tiếng khẳng định ông ủng hộ tiến trình xây dựng nội các mới trong tuần này.
Quân đội chính phủ Iraq không thể ngăn cản sức mạnh tấn công từ lực lượng ISIS để giành quyền kiểm soát một số căn cứ trọng điểm. |
Tuy nhiên, Tổng thống Maliki đã gạt bỏ ý kiến của các quan chức chính trị và lãnh đạo tôn giáo dòng Sunni có mối liên hệ với lực lượng ISIS, về việc thành lập một "chính phủ bảo vệ đất nước" có quyền lựa chọn nhà lãnh đạo đứng đầu quốc gia và xóa bỏ kết quả cuộc bầu cử được tổ chức cách đây 3 tháng.
Trung Quốc:
*Ủy ban Phân bổ Ngân sách Hạ viện Mỹ hôm 24/6 đã tiến hành biểu quyết đổi tên con đường đặt đại sứ quán Trung Quốc tại Washington D.C thành "Lưu Hiểu Ba Plaza". Động thái này khiến Bắc Kinh vô cùng tức giận.
Đại sứ quán Trung Quốc tạiWashington D.C. |
Lưu Hiểu Ba vốn là nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc và được trao giải thưởng Nobel Hòa bình vào năm 2010 cho “cuộc đấu tranh lâu dài và bất bạo động vì nhân quyền căn bản tại Trung Quốc". Song trước đó, năm 2009, ông Lưu đã bị chính quyền Trung Quốc kết án 11 năm tù và hiện đang phải thi hành án.
Thái Lan:
*Trung tướng Chatchalerm Chalermsukh trả lời phỏng vấn BBC cho biết, cuộc đảo chính quân sự hồi tháng trước không hề có kế hoạch chuẩn bị trước, phản bác lại ý kiến của nhà lãnh đạo biểu tình chống chính phủ của bà Yingluck Shinawatra, ông Suthep Thaugsuban.
Trung tướng Chatchalerm Chalermsukh, Phó Tổng tư lệnh chỉ huy quân đội và là thành viên Hội đồng quốc gia vì hòa bình – Hội đồng hiện đang điều hành đất nước. |
Ông cũng cho biết những người bị quân đội bắt giữ kể từ cuộc đảo chính xảy ra đang được chăm sóc tốt. Ông nói thêm rằng việc cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và gia đình ông có thể quay trở lại chính trường Thái Lan vẫn đang gây tranh cãi.
Mỹ:
*Trong bài phát biểu trước các nhà lãnh đạo của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc hôm 25/6, trước thềm cuộc đàm phán song phương cấp cao hàng năm giữa hai nước, Đại sứ Max Baucus cho hay, do thám mạng là hành vi phạm tội và đi ngược những cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Theo Đại sứ Baucus, Mỹ sẽ không khoanh tay đứng nhìn hành động tội phạm xảy ra trong thế giới thực và không chấp nhận hành động tội phạm trong không gian mạng.
*Hải quân Philippines và Mỹ vừa bắt đầu cuộc tập trận hải quân chung trên Biển Đông kéo dài từ ngày 26/6 đến 1/7. Cuộc tập trận thường niên lần thứ 20 mang tên "Hợp tác sẵn sàng và huấn luyện trên biển" (CARAT) diễn ra tại vị trí cách bãi cạn Scarborough của Philippines khoảng 80 dặm.
Lybia:
*Theo Ủy ban bầu cử Libya, ngay sát giờ các điểm bỏ phiếu đóng cửa cuối ngày 25/6, chỉ có 47% cử tri Libya tham gia cuộc bầu cử quốc hội, tương đương con số 630.000 người trên tổng 1,5 triệu cử tri đăng ký. Con số này thấp hơn rất nhiều so với cuộc bầu cử năm 2012 với 2,8 triệu cử tri đăng ký.
Triều Tiên:
*Một trực thăng của Triều Tiên đã nổ tung giữa trời trong màn huấn luyện nhảy dù tại đảo Wihwa, gần Sinuiju, gần biên giới Trung Quốc. Theo Chosun Ilbo, vụ nổ làm hai người thiệt mạng. Triều Tiên đã từ chối đề nghị tìm kiếm và cứu hộ của Trung Quốc.
Hàn Quốc:
*Tổng thống Park Geun-hye hôm 26/5 tuyên bố sẽ giữ lại Thủ tướng Chung Hong-won, một quyết định mà bà cho là “đau đớn”. Hai ứng cử viên trước đó được bà Park đề cử thay ông Chung đã xin rút lui.
Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won. |
Diễn biến trên cho thấy sự khó khăn trong việc tìm kiếm một ứng cử viên đủ điều kiện giữ chức thủ tướng Hàn Quốc. Chính quyền của bà Park đã vấp phải sự chỉ trích dữ dội sau tai nạn chìm tàu làm chết hơn 300 người. Nhằm khôi phục lại lòng tin của người dân, bà Park đã thực hiện cuộc cải tổ nội các cũng như cam kết cải cách bộ máy hành chính để dập tắt tham nhũng.