Tin thế giới 18h30: Miền đông Ukraine lại "hội tụ" vũ khí hạng nặng
Biển Đông:
*Các nước láng giềng đang gặp khó khi tìm cách phản ứng trước hành động Trung Quốc xâm chiếm chủ quyền Biển Đông bởi Bắc Kinh ra sức bảo vệ cho hành động phi pháp mà coi đây là cách phòng thủ.
Theo Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải, đầu tiên, Trung Quốc sẽ bảo vệ quyền chủ quyền và quyền hàng hải của mình trên Biển Đông. Thứ hai, Trung Quốc sẽ tìm cách giải quyết các tranh chấp qua con đường ngoại giao. Thứ ba, liên quan tới vấn đề Trung Quốc nâng cấp cơ sở hạ tầng ở Biển Đông, hành động này "diễn ra trong khu vực thuộc chủ quyền của Trung Quốc". Cuối cùng, chính sách ngoại giao của Trung Quốc khẳng định "phòng thủ là quyền cơ bản". Do đó, trong vấn đề giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông, Bắc Kinh đang tìm cách phối hợp với tất cả các nước trong khu vực và "riêng với Mỹ".
Hành động ngang nhiên xâm chiếm Biển Đông buộc Mỹ đưa ra hành động ngăn chặn. |
*Hôm 25/5, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cho biết Manila hy vọng Mỹ sẽ đưa ra “những lời cam kết chắc chắn hơn” để giúp nước này ngăn chặn Trung Quốc bành trướng mở rộng phạm vi xâm chiếm Biển Đông.
“Tôi sẽ đề nghị Mỹ mở rộng phạm vi hỗ trợ và việc Washington sẽ làm gì để giúp Manila bởi Philippines hiện đang bị đàn áp”, ông Gazmin phát biểu trước các phóng viên tại một căn cứ hải quân ở phía bắc Manila.
Ukraine:
*Cuộc nội chiến ở Ukraine ngày càng phức tạp khi không ít quan tham Kiev nắm quyền tại khu vực sát vùng lãnh thổ do phe ly khai kiểm soát đã tìm cách trục lợi bất chính như bán hộ chiếu hay nhận hối lộ.
Kyiv Post cho hay theo thông báo hôm 25/5 của Văn phòng Tổng công tố Ukraine, “các quan chức thuộc lực lượng vũ trang Ukraine cùng nhiều đơn vị quân sự và các cơ quan hành pháp tham gia chiến dịch chống khủng bố tại Donetsk và Luhansk đã phạm phải hàng loạt hành động phi pháp và tham nhũng bất chấp giới chức địa phương biết rõ điều này”.
*Tình hình chiến sự tại miền đông Ukraine đang có dấu hiệu căng thẳng trở lại khi nhiều báo cáo cho hay cả quân chính phủ Kiev và phe ly khai đưa hàng loạt vũ khí hạng nặng và binh sĩ tới đây.
Đoàn xe quân sự được cho là của Nga đang tiến vào khu vực giáp biên giới Ukraine. |
Reuters cho hay các phóng viên đã chụp lại được những bức ảnh về hàng chục chiếc xe quân sự ở thị trấn phía nam Matveev Kurgan của Nga nằm ngay sát khu vực biên giới giữa Nga - Ukraine ở vùng Rostov hôm 24/5.
Còn theo hãng tin TASS, cũng trong ngày 24/5, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng tại Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng, ông Eduard Basurin cho hay quân đội Ukraine đã cho triển khai 1.000 khẩu đội pháo và các hệ thống phóng tên lửa đa nòng cùng hơn 45.000 binh sĩ và 3.500 loại vũ khí khác tới Donbass.
Nga – phương Tây:
*Lo sợ trước sức mạnh của quân đội Nga, hôm 25/5, khoảng 100 chiếc chiến đấu cơ của Mỹ và 8 nước châu Âu đã bắt đầu tham gia cuộc tập trận Bắc Cực tại khu vực các quốc gia Bắc Âu.
Theo Reuters, cuộc tập trận này diễn ra trên lãnh thổ Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan với sự tham gia của 4.000 binh sĩ. Đây được xem là cuộc thử nghiệm khả năng phối hợp giữa các quốc gia Bắc Âu, nằm gần biên giới Nga. Cuộc tập trận này được lên kế hoạch trước thời điểm Moscow quyết định sáp nhập bán đảo Crimea thuộc Ukraine hồi năm ngoái.
Gần 100 chiếnđấu cơ từ Mỹ và 8 nước châuÂu tham gia cuộc tập trận Bắc Cực từ ngày 25/5 - 5/6. |
*Quân đội Nga tiến hành một cuộc diễn tập lớn với 12.000 người, triển khai khoảng 250 máy bay và hàng trăm vũ khí khác.
Theo AP, Bộ Quốc phòng Nga hôm nay (26/5) cho biết lực lượng tham gia cuộc tập trận là các đơn vị phòng không và không quân của quân khu miền trung, tây và nam, với tổng cộng 12.000 nhân viên quân sự.
Hoạt động sẽ sử dụng gần 700 vũ khí và thiết bị quân sự. Máy bay ném bom tầm xa sẽ phóng tên lửa hành trình vào các mục tiêu tại một trường bắn ở Siberia. Bộ Quốc phòng Nga mô tả cuộc tập trận kéo dài 4 ngày là "một cuộc kiểm tra bất ngờ" sự sẵn sàng chiến đấu của quân đội trên quy mô lớn.
Trung Quốc:
*Hôm nay (26/5), Trung Quốc đã cho công bố chiến lược quốc phòng, đề cao năng lực quân sự biển trong bối cảnh đang có những căng thẳng gay gắt trên Biển Đông trong vấn đề tranh chấp chủ quyền.
Theo Tân Hoa Xã, ban thông tin văn phòng chính phủ Trung Quốc đã cho ban hành Sách trắng Quốc phòng "Chiến lược quân sự Trung Quốc". Nội dung chủ yếu đề cập đến xây dựng lực lượng quân sự, nhấn mạnh phương châm chủ động phòng vệ và tăng cường hợp tác an ninh quốc tế.
Tàu tên lửa Hải quân Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật trên biển Hoa Đông hồi tháng 7/2010. |
*Ấn Độ nghi Trung Quốc đang muốn bá chủ tại châu Á bằng cách tăng cường hoạt động cải tạo trên Biển Đông, gia tăng hiện diện của hải quân ở Ấn Độ Dương và mở rộng hợp tác quân sự đến tận vùng Sừng châu Phi.
Triều Tiên:
*Hôm nay (26/5), giới chức quân sự Hàn Quốc cho hay Triều Tiên đang cho xây dựng các trại quân sựđể lưu trữ những khẩu đội pháo bảo vệ khu vực bờ biển biên giới trên biển Hoàng Hải.
Một tàu đánh cá của Trung Quốc hoạt động gần đảo Gal của Triều Tiên. |
"5 trại quân sự được xây dựng mang hình dáng giống boongke đang được xây trên đảo Gal. Triều Tiên sẽ cho triển khai các giàn phóng tên lửa đa nòng 122 mm hoặc dùng chúng làm trạm gác", Yonhap dẫn lời một quan chức Hàn Quốc giấu tên.
Indonesia:
*61 tàu chiến được Indonesia triển khai đến lãnh hải ở phía tây nước này nhằm bảo vệ ngư dân địa phương trước các tàu cá trái phép của nước ngoài.
Một tàu khu trục của hải quân Indonesia. |
"Lãnh hải quanh quần đảo Riau nằm trong số những khu vực mà chúng tôi sẽ bảo vệ", Jakarta Post dẫn lời đô đốc Ade Supandi, Tham mưu trưởng Hải quân Indonesia.