Tin thế giới 18h30: Kế hoạch B của Mỹ bị lật tẩy, Ukraine chưa tìm được lối đi
Mỹ lộ kế hoạch B tại Syria. |
Tình hình Syria
Sáng 13/4, hơn 7.000 điểm bỏ phiếu trên khắp Syria đã mở cửa đón cử tri tham gia cuộc bầu cử quốc hộitại quốc gia Trung Đông này.
Trong cuộc tổng tuyển cử lần này, hơn 3.000 ứng cử viên sẽ chạy đua vào 250 ghế nghị sĩ trong quốc hội khóa mới. Tuy nhiên, các nhóm đối lập tẩy chay cuộc bầu cử này.
Cuộc bầu cử lập pháp lần này được tổ chức đúng vào ngày Chính phủ Syria và phe đối lập dự định nối lại vòng đàm phán hòa bình mới tại Geneva, Thụy Sĩ. Cảnh sát, quân đội, vệ binh quốc gia và các lực lượng dân quân đã được triển khai để đảm bảo an ninh cho cuộc bầu cử.
*Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và các đối tác của Tổ chức này ở khu vực đã sẵn sàng cung cấp cho lực lượng đối lập “ôn hòa” ở Syria các loại vũ khí có sức sát thương mạnh hơn nếu như quy chế ngừng bắn ở Syria bị phá vỡ.
Theo Wall Street Journal, mục đích của cái gọi là “kế hoạch B” này của CIA là nhằm cung cấp cho các lực lượng đối lập ở Syria “các hệ thống vũ khí có thể giúp lực lượng đối lập tấn công các máy bay, cũng như tấn công vào các lực lượng pháo binh của quân Chính phủ Syria.
Theo một nguồn tin cao cấp tiết lộ với Wall Street Journal, CIA đã lên tiếng cam kết với các “đồng minh” của mình rằng vũ khí sẽ được chuyển đến dưới các hình thức phù hợp nếu như quy chế ngừng bắn và các tiến trình đàm phán chính trị (được gọi là “Kế hoạch A”) bị vi phạm.
Tổng thống Ukraine Poroshenko và Thủ tướng Yatsenyuk (bên phải). |
Tình hình Ukraine
Theo nhận định của giới phân tích quốc tế, việc ông Yatsenyuk phải lên tiếng tuyên bố sẽ từ chức là việc không thể tránh khỏi. Uy tín của Yatsenyuk trên chính trường Ukraine cũng như trong mắt của các “nhà tài trợ” quốc tế cho Ukraine đã sụt giảm nhanh chóng, nhất là đối với Mỹ.
Tuy nhiên, quá trình từ chức của ông Yatsenyuk bị “kéo dài hơn so với dự kiến” là do hai nguyên nhân chính: liên minh cầm quyền của Ukraine đã không thể đạt được sự đồng thuận về việc tìm kiếm nhân vật thay thế Yatsenyuk, Quốc hội Ukraine không thể tìm được sự thống nhất trong việc bỏ phiếu miễn nhiệm đối với Yatsenyuk; đảng “Mặt trận dân tộc” của Yatsenyuk vẫn giữ được vị thế của mình trong liên minh cầm quyền.
Chính vì vậy, việc tiến hành bầu cử lại như phe đối lập Ukraine yêu cầu sẽ không dẫn đến bất cứ kết quả khả quan nào. Hơn nữa, khi Tổng thống Poroshenko vẫn quan tâm giải quyết các vấn đề khác như thúc đẩy xung đột với Nga, hình thành các lực lượng chống Nga, thúc đẩy các hoạt động kinh tế tư nhân… mà không “đoái hoài” gì đến các lợi ích của Ukraine nói chung thì những chính sách của Ukraine thời kỳ hậu Yatsenyuk cũng khó có thể có được nét gì mới mẻ.
Xung đột Karabakh. |
Xung đột Karabakh
Nhóm “Bộ tam” Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu(OSCE- gồm Chủ tịch đương nhiệm là Đức, cựu Chủ tịch là Serbia và Chủ tịch nhiệm kỳ tới là Áo) ngày thứ Ba (12/4) vừa qua đã nhóm họp để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine và xung đột Karabakh.
Trong phiên họp, các bên đã kêu gọi phải đảm bảo an ninh cho các quan sát viên của OSCE đang hoạt động ở Donbass (Ukraine) và chấm dứt bạo lực ở khu vực xảy ra xung đột Nagorno-Karabakh.
Trang EUROPP của trường Kinh tế và Chính trị London dẫn lời một chuyên gia có tiếng trong khu vực cho rằng, xung đột ở Nagorno-Karabakh, giữa Azerbaijan và Armenia, không phải bùng phát đơn thuần và khó “đóng băng” trở lại dù có Nga can thiệp.
Theo ông Richard Giragosian, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khu vực tại Armenia, xung đột ở Nagorno-Karabakh gần đây đã tan băng và đang ở thời điểm căng thẳng nhất trong hơn 2 thập kỉ qua.
Hệ thống tên lửa Mỹ |
Quan hệ Nga – Mỹ - NATO
Phiên họp cấp đại diện ngoại giao của Hội đồng Nga-NATO dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 20/4 tới tại Brussels, thủ đô nước Bỉ, đồng thời là địa điểm đặt “đại bản doanh” của NATO.
Đây là phiên họp đầu tiên của hội đồng Nga-NATO kể từ sau khi quan hệ hai bên bị ngừng trệ trong vòng hai năm qua.
Quan hệ hai bên tiếp tục trở nên xấu đi khi đại diện của NATO liên tục đưa ra những tuyên bố cáo buộc Nga thực hiện các hành động “hiếu chiến, mang tính chất xâm lược”. Những cáo buộc này liên tục bị Nga bác bỏ, đồng thời Tổng thống Nga Vladimir Putin đã coi những cáo buộc này của NATO là “khiêu khích”.
Về phần mình, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nga Gerasimov tuyên bố rằng những cáo buộc về việc Nga thực hiện các hành động “hiếu chiến, mang tính chất xâm lược” chỉ là cái cớ để NATO tích cực tăng cường sự hiện diện ở khu vực sát với biên giới nước Nga.
Tình hình Biển Đông
*Ngày 14/4, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull sẽ có chuyến thăm đầu tiên đến Trung Quốc kể từ khi ông nhậm chức hồi tháng 9/2015. Chuyến thăm này sẽ diễn ra trong bối cảnh quan hệ căng thẳng giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng liên quan tới những hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông, và Tòa án Trọng tài thường trực ở La Hay sẽ ra phán quyết đối với vụ Phillipines kiện Trung Quốc ở Biển Đông vào đầu tháng 5.
Dự kiến, trong cuộc gặp lãnh đạo Trung Quốc ngày 15/4 tại Bắc Kinh, Thủ tướng Turnbull sẽ đưa ra lời cảnh báo về việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, làm gia tăng rủi ro cho khu vực cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ quốc tế và nền kinh tế của nước này.
Ông Turnbull sẽ kêu gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường khôi phục quan hệ rạn nứt với các nước láng giềng do Bắc Kinh xây dựng đảo nhân tạo và triển khai thiết bị quân sự trong vùng biển tranh chấp.
Song song với việc gây sức ép ngoại giao lên Trung Quốc, ông Turnbull cũng sẽ nỗ lực làm sâu sắc thêm quan hệ với nhà đầu tư đồng thời là đối tác thương mại lớn nhất của Australia. Ông Turnbull, là người giàu kinh nghiệm làm ăn với Trung Quốc, sẽ dẫn đầu một phái đoàn 1.000 nhà doanh nghiệp Australia đến Thượng Hải vào ngày 14/4 trước khi đến Bắc Kinh.
Ảnh vệ tinh ngày 7/4 chụp máy bay J-11 Trung Quốc trên đường băng ở đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: ImageSat |
* Ảnh vệ tinh phát hiện Trung Quốc triển khai chiến đấu cơ J-11 tới đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bất chấp sự phản đối của các nước trong và ngoài khu vực.
Theo Fox News, ảnh chiến đấu cơ Trung Quốc trên đảo Phú Lâm được ImageSat International chụp ngày 7/4.
Tới ngày 12/4, các quan chức Mỹ xác nhận tính xác thực của bức ảnh chụp 3 chiếc Shenyang J-11 ở Phú Lâm.
Đây là mẫu tiêm kích phản lực sửa đổi từ Su-27 của Nga. Nó tương đương với F-15 hay F/A-18 Hornet của quân đội Mỹ.
Ngoài máy bay, ảnh vệ tinh cũng phát hiện radar điều khiển hỏa lực mới của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm. Nó được sử dụng cho hệ thống tên lửa đất đối không mà Trung Quốc triển khai trên đảo.
* Theo báo Spiegel của Đức ngày 12/4, tranh cãi biển đảo ở Thái Bình Dương đã leo thang khi Trung Quốc yêu cầu đại diện tất cả các nước trong nhóm G-7 (Nhóm các nước công nghiệp phát triển) tới trụ sở Bộ Ngoại giao để "trao đổi".
Bộ Ngoại giao Đức tại Berlin cùng ngày xác nhận Trung Quốc đã mời một đại diện của Đại sứ quán Đức tại Bắc Kinh tới trụ sở Bộ Ngoại giao Trung Quốc để bày tỏ sự phản đối của Bắc Kinh đối với một tuyên bố của G7 về tình hình tranh chấp ở Biển Đông.
Theo đó, các ngoại trưởng G7 kêu gọi một giải pháp hoà bình cho tranh chấp. Theo báo trên, tại cuộc gặp ở Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phía Bắc Kinh đã tuyên bố "Đức đứng sau tuyên bố chung của G7 về vấn đề an ninh hàng hải".
Trước đó, trong phiên bế mạc hội nghị diễn ra tại Hiroshima (Nhật Bản) hôm 11/4, các ngoại trưởng G7 đã bày tỏ quan ngại về căng thẳng trên Biển Đông. Dù không nêu đích danh Trung Quốc, song G7 đã kiên quyết bác bỏ mọi biện pháp đơn phương đe doạ, cưỡng ép hoặc khiêu khích nhằm thay đổi nguyên trạng biển đảo.