Tin thế giới 1/6: Vì sao Mỹ rút bớt tàu sân bay khỏi bán đảo Triều Tiên?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Hoa Kỳ
* Theo thông tin được cập nhật trên website của Nhà Trắng (Whitehouse.gov), đoàn xe chở Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Nhà Trắng vào khoảng 15h ngày 31/5 (tức 2h ngày 1/6 giờ Hà Nội).
Trong cuộc gặp tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thảo luận về thương mại với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tổng thống hoan nghênh việc ký kết các hợp đồng kinh doanh trị giá hàng tỷ USD và lượng công ăn việc làm mà những thỏa thuận này mang lại.
Tổng thống Donalf Trump tiếp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phòng Bầu Dục, Nhà Trắng. Nguồn: Reuters |
* Cuộc gặp giữa Thủ tướng Việt Nam và Tổng thống Hoa Kỳ đã thu hút sự quan tâm của nhiều hãng tin, tờ báo lớn trên thế giới như CNN, Reuters, Tân Hoa Xã… Washington Times nhận định việc Tổng thống Donald Trump chào đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Washington và Hà Nội chia sẻ ngày càng nhiều lợi ích chiến lược và tầm nhìn chung về khu vực và thế giới.
Reuters dẫn lời các nhà phân tích cho biết chính quyền của Tổng thống Donald Trump hoan nghênh những hợp đồng làm ăn mới với Việt Nam, đồng thời trông đợi những bước đi kế tiếp về thương mại.
Bán đảo Triều Tiên
* Nhóm tàu tác chiến của Mỹ do tàu sân bay USS Carl Vinson dẫn đầu chính thức kết thúc sứ mệnh hoạt động gần bán đảo Triều Tiên và rời vùng biển Nhật Bản vào tối qua 31/5, hãng tin Yonhap cho biết. Sau khi rời bán đảo Triều Tiên, tàu USS Carl Vinson cùng với các tàu tác chiến sẽ quay trở về cảng tại San Diego (Mỹ) để bảo dưỡng và luân chuyển thủy thủ đoàn.
Như vậy, hiện tại Mỹ chỉ còn 2 nhóm tàu sân bay hoạt động ở khu vực gần bán đảo Triều Tiên gồm USS Nimitz và USS Ronald Reagan. Hiện chưa rõ hai tàu sân bay này có diễn tập chung với nhau hay không.
Tàu sân bay USS Carl Vinson đã kết thúc sứ mệnh gần bán đảo Triều Tiên. Nguồn: Reuters |
* Tổng thống Moon Jae-in ngày 1/6 tuyên bố chính quyền mới của Hàn Quốc sẽ nắm thế chủ động trong các nỗ lực toàn cầu nhằm phi hạt nhân hóa Triều Tiên mà không phụ thuộc vào vai trò của các nước. “Chúng tôi sẽ đi đầu trong việc giải quyết vấn đề trên bán đảo Triều Tiên mà không phụ thuộc vào vai trò của nước ngoài”, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khẳng định.
Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cho biết để đạt được mục tiêu trên, nước này sẽ sử dụng cả biện pháp thuyết phục lẫn gây áp lực lên Bình Nhưỡng để đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán về chương trình hạt nhân của nước này.
* Ngày 1/6, ông Chung Eui-yong, Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, đã lên đường sang Mỹ liên quan đến vấn đề hệ thống tên lửa phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), theo Reuters.
Mục đích của Tổng thống Moon khi đưa ông Chung sang Mỹ là nhằm trấn an đồng minh Mỹ rằng ông sẽ không hủy bỏ thỏa thuận triển khai hệ thống tên lửa THAAD do Mỹ cung cấp tại Hàn Quốc, vốn đã được hai nước thống nhất năm ngoái.
Philippines
* Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 1/6 cho biết cuộc nổi loạn diễn ra tại đảo miền Nam Mindanao không phải do nhóm phiến quân Maute mà hoàn toàn do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) gây ra, và ông đã cảnh báo từ lâu về một cuộc đổ bộ sắp tới của IS vào quốc gia này.
Ông Duterte cho rằng các tay súng Hồi giáo sau khi bị trục xuất khỏi Iraq và Syria đã tìm kiếm một căn cứ mới và kế hoạch vây hãm thành phố Marawi đã có từ lâu.
* Hôm 1/6, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho biết, một cuộc oanh kích do quân đội Philippines tiến hành đã làm chết 10 quân nhân của chính họ.
Cuộc không kích trên nằm trong nỗ lực đánh đuổi phiến quân Hồi giáo khỏi thành phố Marawi ở miền nam Philippines. Sự cố này là một đòn giáng mạnh vào nỗ lực đánh bại các chiến binh thân tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS.
Aghanistan
* Cơ quan An ninh quốc gia Afghanistan (NDS) đã cáo buộc mạng lưới Haqqani đứng đằng sau vụ đánh bom liều chết vào khung giờ cao điểm sáng 31/5 gần khu vực Ngoại giao đoàn và cơ quan chính phủ ở thủ đô Kabul, khiến hàng trăm người thương vong.
Là một nhóm phiến quân có liên hệ với các tay súng Taliban, trong thời gian qua, mạng lưới Haqqani, chủ yếu hoạt động tại các tỉnh miền Đông Afghanistan và thủ đô Kabul, đã thừa nhận tiến hành nhiều vụ đánh bom nhằm vào các lực lượng an ninh.
Tình hình Syria
* RT ngày 1/6 đưa tin, Không quân Nga đã tiêu diệt 80 tay súng, 36 xe ô tô, 8 xe chở nhiên liệu và 17 xe bán tải chở súng cối và súng máy cỡ nòng lớn của IS trong đợt không kích ngày 25/5 và rạng sáng 30/5.
Thông báo trên được đưa ra một ngày sau khi Nga công bố một đoạn băng phóng 4 tên lửa hành trình chiến hạm Đô đốc Essen và tàu ngầm Krasnodar ở Địa Trung Hải nhằm vào phiến quân IS đã chạy đến gần Palmyra.
* Hội đồng An ninh Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (MGK) ngày 31/5 tuyên bố việc chính quyền Mỹ quyết định vũ trang cho lực lượng Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) tại Syria “không mang lại lợi ích cho quan hệ đồng minh".