Tin thế giới 14/3: B-52, soái hạm Mỹ liên tục xuất hiện trên Biển Đông
Thảm họa máy bay ở Ethiopia
*Sau khi Mỹ trở thành quốc gia tiếp theo trên thế giới quyết định cấm bay đối với máy bay Boeing 737 MAX sau khi vụ tai nạn máy bay loại này ở Ethiopia đã khiến toàn bộ 157 người thiệt mạng, Boeing đang lâm vào một cuộc khủng hoảng lớn chưa từng có. Từng được coi là máy bay chủ lực của các hãng hàng không trong nhiều thập kỷ tới, uy tín về độ an toàn của nó đang bị giảm sút nghiêm trọng. Một quan chức cho biết hiện vẫn chưa rõ 737 MAX sẽ bị cấm bay ở Mỹ trong thời gian bao lâu.
Uy tín của máy bay Boeing 737 MAX đang giảm sút nghiêm trọng. |
Căng thẳng Ấn Độ - Pakistan
*Trong lúc căng thẳng biên giới với Ấn Độ vẫn chưa chấm dứt, một chuyên gia quân sự đã tuyên bố rằng máy bay JF-17 của Pakistan sẽ được trang bị các thiết bị và vũ khí hiện đại như radar quét mạng pha chủ động (AESA) có tầm hoạt động rộng hơn. Ngoài ra, hệ thống máy tính và liên lạc trên máy bay cũng sẽ được nâng cấp và mũ đội đầu của phi công cũng sẽ có phần mềm hỗ trợ định vị mục tiêu. Trước đó, Pakistan tuyên bố rằng họ vừa thử nghiệm một loại tên lửa thông minh được phóng đi từ JF-17.
*Theo hãng tin Sputnik, Ấn Độ đã báo động sau khi hai máy bay chiến đấu của Pakistan tiến sát đến ranh giới giữa hai nước ở khu vực tranh chấp Kashmir trước khi đổi hướng. Cả New Delhi và Islamabad đều chưa lên tiếng bình luận về sự việc này, song thông tin này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Ấn Độ tuyên bố đã bắn rơi một số máy bay không người lái của Pakistan, trong khi Pakistan cũng cho triển khai F-16 ra gần biên giới Ấn Độ và luôn sẵn sàng chiến đấu.
Syria
Một máy bay Nga hạ cánh xuống căn cứ không quân Hmeymim ở Syria. |
*Nga vừa triển khai một đợt không kích dữ dội nhằm vào phiến quân Syria vào ngày 13/3, sau khi phát hiện các nhóm vũ trang này có ý định tập kích quân đội Nga bằng máy bay không người lái. Hệ quả là một kho vũ khí của phiến quân Syria bị phá hủy hoàn toàn, song vẫn chưa có thông tin thương vong nào được công bố.
Châu Á
*Lực lượng Không quân Mỹ tại Thái Bình Dương cho biết, hai máy bay ném bom B-52 của họ “đã cất cánh từ Căn cứ Không quân Andersen ở đảo Guam (Mỹ) và thực hiện hoạt động diễn tập thường nhật ở gần Biển Đông vào ngày 13/3/2019 trước khi trở về căn cứ”. Hoạt động này theo họ là nhằm “hỗ trợ các đồng minh và đối tác trong khu vực, đồng thời đảm bảo khu vực Châu Á – Thái Bình Dương được tự do hơn”.
*Không chỉ có vậy, soái hạm Blue Ridge của Hải quân Mỹ cũng đã xuất hiện tại thủ đô Manila của Philippines với mục đích củng cố quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Philippines. Đáng chú ý là, chỉ huy soái hạm này khẳng định đã bắt gặp tàu chiến Trung Quốc và phía Mỹ “đã hành xử một cách an toàn và chuyên nghiệp”. Ông cũng nhắc lại quan điểm của Mỹ là họ có thể “đi qua, bay qua và hoạt động ở bất cứ nơi đâu mà luật pháp quốc tế cho phép”.
Tàu chiến Mỹ đến Philippines. |
*Trong một diễn biến khác, các công tố viên Malaysia đã bác bỏ yêu cầu trả tự do cho công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương, nghi phạm thứ nhất liên quan đến vụ án ông Kim Jong-nam, người được cho là anh cùng cha khác mẹ của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, bị đầu độc ở sân bay Kuala Lumpur của Malaysia. Trước đó, Malaysia đã bất ngờ thả Siti Asiyah, nghi phạm thứ hai trong vụ sát hại và không đưa ra lý do nào.
Mỹ
*Theo một nguồn tin giấu tên trong Lầu Năm Góc, Mỹ đang có kế hoạch thử nghiệm một loại tên lửa có tầm bắn 1.000km vào tháng 8 tới, cùng một loại tên lửa có tầm bắn từ 3.000 đến 4.000km vào tháng 11 năm nay. Hoạt động này diễn ra sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Vũ khí Hạt nhân Tầm Trung (INF) được ký kết từ năm 1987, có nội dung cấm Mỹ và Liên Xô (và cả Nga sau này) phát triển, thử nghiệm và triển khai các loại tên lửa có tầm bắn từ 500 đến 5.500km để đảm bảo an toàn cho các nước Châu Âu.
Mỹ có kế hoạch thử các tên lửa vốn bị cấm theo nội dung của hiệp ước INF. |
*Ông Paul Manafort, người từng đứng đầu nhóm vận động tranh cử Tổng thống của ông Donald Trump, vừa phải nhận thêm bản án 43 tháng tù nữa do đã có những hành vi vận động hành lang trái pháp luật ở Ukraine. Trước đó, ông đã phải nhận bản án 47 tháng tù giam vì những tội danh trốn thuế và gian lận tài chính.
Ukraine
*Cựu thống đốc bang Odessa (Ukraine) Mikheil Saakashvili tiết lộ rằng vào năm 2014, Tổng thống Petro Poroshenko đã từng chấp nhận sẽ không bao giờ lấy lại được Crimea, nhưng “sẽ coi đây là cơ hội để Ukraine gia nhập Liên minh Châu Âu và NATO”. Điều này theo ông càng khiến Ukraine khó có thể trở thành một thành viên của hai liên minh trên bởi ở Ukraine “một cuộc tranh chấp lãnh thổ đang diễn ra”.