Tin thế giới 13/2: Mỹ bị “lật tẩy”, EU không nên “một mình một đường”
Nga, Mỹ, NATO, EU, Đức
*Trả lời phỏng vấn tờ Vedomosti, Cựu Tổng thống Liên Xô, Mikhail Gorbachev tuyên bố: “Không thể không kết luận rằng đằng sau quyết định của Hoa Kỳ rút khỏi hiệp ước INF không phải là lý do được các nhà lãnh đạo Mỹ viện dẫn, mà là một lý do hoàn toàn khác, đó là Mỹ mong muốn thoát khỏi mọi hạn chế trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí, để có được ưu thế quân sự tuyệt đối và để áp đặt ý chí của họ đối với thế giới”.
Cựu Tổng thống Liên Xô, Mikhail Gorbachev |
*EU và Mỹ đã sẵn sàng áp đặt các hạn chế mới đối với Moscow. "Dự kiến các biện pháp trừng phạt mới sẽ được thảo luận tại cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao của các nước EU vào thứ Hai tới (18/2) và có thể được áp dụng trong vòng 2 tháng tới".
Bình luận về thông tin trên, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya cho rằng Nga không lo lắng về mối đe dọa từ các lệnh trừng phạt mới của Mỹ. Hoa Kỳ đang nói rất nhiều về việc đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. Moscow đã quen với nó và không chú ý.
*Theo kết quả khảo sát của tổ chức Friedrich Ebert của Đức, Mỹ là mối đe dọa đối với an ninh châu Âu lớn hơn so với “mối đe dọa Nga”. Cụ thể, tờ Zeit dẫn kết quả khảo sát của tổ chức Friedrich Ebert cho biết, một nửa số người được hỏi cho rằng Mỹ là mối đe dọa chính đối với an ninh các nước châu Âu, trong khi chỉ có 33% người Đức nhìn thấy mối đe dọa lớn nhất từ Liên bang Nga.
*Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với tờ Welt am Sonntag tại Brussels, Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell nói: "Các cam kết của Đức về tăng chi tiêu quốc phòng lên 1,5% GDP là chưa đủ. NATO yêu cầu con số này phải là 2% vào năm 2024".
Ông Richard Grenell nói, Hoa Kỳ chỉ nhắc nhở người đồng minh tốt của mình là Đức một điều rằng, bây giờ không phải là lúc làm suy yếu hay phá hoại NATO. Nga đang đứng ở trước cửa, tất cả phải hiểu rõ một điều rằng cần củng cố NATO. Đồng thời, ông Grenell phủ nhận tin đồn Hoa Kỳ có thể rời NATO.
Tổng thống Mỹ Trump, Tổng thống Nga Putin |
*Ngày 12/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ, ông đã được Thượng nghị sĩ Mỹ Richard Shelby cung cấp “những khái niệm và thông số trong Thỏa thuận An ninh Biên giới”. Trên trang Twitter cá nhân, ông Trump cũng nói rằng Nhà Trắng đã thu được ngân sách để thiết lập rào chắn ở biên giới với Mexico “từ nhiều nguồn khác nhau”.
*Ngày 12/2, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) về việc khối này cho rằng họ có thể tự xoay sở mà không cần tới liên minh xuyên Đại Tây Dương, sau khi Pháp và Đức cam kết thành lập một "quân đội châu Âu" trong tương lai.
Trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO, diễn ra vào ngày 13 và 14/2, ông Stoltenberg tuyên bố các bên cần tránh những suy nghĩ rằng châu Âu có thể "tự quản lý" mà không cần tới NATO. Ông nhấn mạnh thêm rằng 2 cuộc Chiến tranh Thế giới và Chiến tranh Lạnh đã chứng tỏ rằng mối liên hệ xuyên Đại Tây Dương mạnh là cần thiết cho việc gìn giữ hòa bình và ổn định tại châu Âu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un |
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên
*Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 12/2 cho biết, trong cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Khổng Hữu và người đồng cấp Nga Igor Morgulov, hai bên bày tỏ hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh Kim-Trump lần hai tại Hà Nội sẽ thành công, đồng thời tái khẳng định cam kết tiếp tục các nỗ lực chung tìm ra giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên.
*Hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim lần thứ hai được tổ chức ở Hà Nội trong 2 ngày 27 - 28/2 chính là cơ hội giúp Việt Nam thể hiện sự thành công phát triển kinh tế và ưu thế địa chính trị quốc gia trước bạn bè quốc tế.
Theo nhận định của giới chuyên gia, Việt Nam được chọn là địa điểm tổ chức thượng đỉnh Trump – Kim lần thứ hai xuất phát từ thực tế, Việt Nam là quốc gia có mối quan hệ tốt đẹp với cả Mỹ và Triều Tiên.
Khủng hoảng chính trị Venezuela chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt" |
Khủng hoảng chính trị Venezuela
*Đại sứ Venezuela tại Nga, ông Carlos Rafael Faria Tortosa gọi viện trợ nhân đạo của Hoa Kỳ và các đồng minh của nước này gửi đến Venezuela là một "cái bẫy", sau đó có thể kéo theo một cuộc xâm lược quân sự.
Trước đó, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cam kết ngăn chặn hàng viện trợ đi vào Venezuela, coi đây là hành động báo trước cho sự xâm lược của Mỹ. Theo ông, Venezuela có thể đáp ứng mọi nhu cầu của người dân và không cần ai viện trợ.
*Reuters đưa tin, sau cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, Moscow cảnh báo Washington chớ thực hiện bất kỳ hành động can thiệp, trong đó có can thiệp quân sự, vào các vấn đề nội bộ của Venezuela.
Ngoài ra, ông Lavrov cũng chỉ trích các kế hoạch thắt chặt các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nga liên quan tới vụ đầu độc cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal tại Anh, cho rằng các biện pháp trừng phạt mới sẽ gây tổn hại tới mối quan hệ song phương.