Tin thế giới 12/2: Hungary tố phương Tây "đạo đức giả", Ukraine thề giành Crimea
Châu Âu
*Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có mặt tại Hungary, điểm đến đầu tiên trong chuyến công du các nước Châu Âu. Trong cuộc họp báo diễn ra ngày 11/2, ông Pompeo tuyên bố rằng Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự ở Trung Âu, đồng thời “tăng cường các hoạt động gia tăng quan hệ giữa các nước trong khu vực”. Ông tin rằng Nga và Trung Quốc đã gây dựng tầm ảnh hưởng sâu rộng ở Hungary do Mỹ “đã xa lánh Hungary theo cách khiến đất nước này phải tôn trọng những người không có chung quan điểm với chúng tôi”, và mong Hungary không được để Tổng thống Nga Vladimir Putin “thọc gậy vào quan hệ bạn bè” giữa các nước NATO.
Ngoại trưởng Pompeo đã kêu gọi Hungary và các nước NATO "không được để Tổng thống Nga Vladimir Putin thọc gậy vào quan hệ bạn bè" với nhau. |
*Đáp trả lại tuyên bố này, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto đáp lại rằng “đây là một sự giả dối và định hướng chính trị trên sân khấu chính trị của châu Âu”. Ông cho biết vào lúc này “chính các nước phương Tây đang ngồi trên sân khấu bên cạnh Putin” khi họ tham gia trực tiếp vào dự án khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2. Ngoài ra, ông Szijjarto cũng kêu gọi đánh giá quy mô thương mại giữa các nước Châu Âu và Nga để đảm bảo rằng Hungary không có quan hệ quá gần gũi với Nga.
*Cựu Thủ tướng và là một trong những ứng cử viên Tổng thống Ukraine Yulia Tymoshenko đã tuyên bố trong một cuộc mít tinh với các cử tri rằng nếu đắc cử, bà sẽ lấy lại bán đảo Crimea từ tay Nga cho Ukraine. “Chúng ta không chỉ cần lấy lại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng như Bán đảo Crimea và khu vực miền Đông Ukraine - Donbass, mà còn buộc Nga phải chịu trách nhiệm khi đã chiếm giữ những nơi này, để bù đắp những tổn thất mà đất nước chúng ta phải gánh chịu”, bà nói.
*Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson đã phát biểu rằng quân đội Anh cần phải củng cố “khả năng sát thương” của mình và sẵn sàng dùng “quyền lực cứng” để bảo vệ quyền lợi của mình trước Nga và Trung Quốc. Ông cũng chỉ trích Nga đang tìm cách để đưa các quốc gia thuộc Liên Xô cũ “trở về đúng quỹ đạo của mình”, còn Trung Quốc thì đang “phát triển vũ khí hiện đại và nâng cao tiềm lực kinh tế”. Cũng trong ngày 11/2, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Anh đã cùng với các tàu chiến Mỹ xuất hiện ở Biển Đông, một động thái đã khiến Bắc Kinh tức giận.
Tàu chiến Anh xuất hiện ở Biển Đông. |
*Một số nguồn tin giấu tên cho biết, Thủ tướng Anh Theresa May có ý định từ chức vào mùa hè này. Được biết bà May có thể sẽ rời bỏ cương vị của mình sau khi Anh đạt được thỏa thuận Brexit, và động thái này được coi là nhằm ngăn chặn quyền lực của cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson.
Mỹ
*Các nghị sĩ Mỹ vừa đạt được một “thỏa thuận ban đầu” về việc cung cấp ngân sách để củng cố an ninh biên giới cho đến ngày 30/9 năm nay. Được biết, thỏa thuận này không đề cập đến khoản tiền 5,7 tỉ USD mà Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu để xây dựng bức tường biên giới Mỹ - Mexico, mà là một khoản ngân sách 1,37 tỉ USD nhằm dựng lên hàng rào mới dọc biên giới phía Nam. Việc bức tường của ông Trump không nhận được sự ủng hộ đã dẫn đến việc chính phủ Mỹ đóng cửa một phần trong 35 ngày, trước khi Tổng thống Mỹ đồng ý cho mở cửa tạm thời để các bên đàm phán thêm về ngân sách.
Syria
*Không quân Israel đã 3 lần không kích vào tỉnh al-Quneitra ở Syriavào chiều ngày 11/2, buộc quân đội Syria trong tình trạng cảnh giác cao độ. Theo một số nguồn tin, nhiều vị trí đóng quân của quân đội Syria và một bệnh viện của tỉnh đã bị oanh kích nặng nề.
Châu Á
Hai nhà lãnh đạo Trump - Kim gặp nhau lần đầu tiên tại Singapore vào tháng 6/2018. |
*Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhiều khả năng sẽ tới Hà Nội sớm 2 ngày để chuẩn bị gặp Tổng thống Trump, tức là vào ngày 25/2 tới. Có nhiều đồn đoán được đưa ra về phương tiên mà ông Kim sẽ sử dụng: một số người cho rằng ông sẽ thuê một máy bay Trung Quốc, một số khác cho rằng ông vẫn sẽ dùng chuyên cơ có tuổi của mình do khoảng cách giữa Triều Tiên và Việt Nam là không xa.
*Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte muốn một ngày nào đó đất nước ông sẽ đổi tên thành “Maharlika” để xa rời với quá khứ thuộc địa của mình. Tên gọi Philippines được đặt theo tên của vua Philip II của Tây Ban Nha, khi Manila từng chịu ách thống trị của Tây Ban Nha trong hơn 300 năm.