Tin thế giới 11/12: TT Trump sợ mất chức, "lộ bí quyết lãnh đạo” của TT Putin
Nga
*Mặc dù đã trải qua 4 năm bị Mỹ và các nước Châu Âu áp dụng trừng phạt, song nền kinh tế Nga vẫn phát triển vững mạnh. Mới đây theo đánh giá của hãng tin Bloomberg, Nga được xếp vào hạng 2 trong tổng số 20 quốc gia có nền kinh tế đang phát triển có độ ổn định cao nhất, vượt qua Trung Quốc. Trước đó trong báo cáo Doing Business của tổ chức Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh của các quốc gia, Nga đứng ở vị trí thứ 31 (trong quá khứ nước này từng đứng ở vị trí thứ 124) và được hi vọng sẽ vào top 20 trong 6 năm tới.
Kinh tế Nga vẫn tiếp tục phát triển mặc cho lệnh trừng phạt của phương Tây. |
*Theo báo Le Figaro của Pháp, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dẫn dắt đất nước giành thắng lợi trong các xung đột địa chính trị nhờ nền tảng học vấn và kiến thức uyên bác của mình. Khác với nhiều lãnh đạo quốc gia cùng thời, ông Putin nhận thức được sự khác biệt về nền tảng văn hóa và tư duy của các quốc gia khác, nhờ đó ông có chính sách đối ngoại chu toàn hơn.
Trung Đông
*Mới đây Nga đã điều động máy bay trinh sát Il-20 đến tỉnh Idlib trong lúc quân đội Syria chuẩn bị sẵn sàng để tấn công lực lượng nổi dậy trong khu vực. Được biết, máy bay Nga tập trung vào quân Jisr al-Shughour ở Idlib, nơi các lực lượng phiến quân như Tahrir al-Sham và Đảng Hồi giáo Turkistan (TIP) hoạt đông rất mạnh mẽ.
Mỹ
*Một nguồn tin trong Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang rất quan ngại trước khả năng có thể bị khởi tố và bãi chức do đảng Dân chủ giờ đây đã kiểm soát Hạ viện Mỹ, mặc dù đảng Cộng hòa vẫn kiểm soát Thượng viện. Tin đồn về khả năng ông Trump bị mất chức xuất hiện sau khi một báo cáo của các công tố viên Mỹ nói rằng luật sư cũ của Tổng thống Mỹ đã có nhiều hành vi phạm pháp được thực hiện theo mệnh lệnh của ông Trump.
Tổng thống Trump đang lo cho vị trí của mình? |
Pháp
*Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có bài phát biểu trên truyền hình đầu tiên sau khi Pháp đã trải qua bốn tuần lễ biểu tình và bạo động ở thủ đô Paris và nhiều nơi khác trên thế giới. Theo đó, ông thừa nhận rằng đất nước đang trong tình trạng khẩn cấp về kinh tế và xã hội và chỉ trích tình trạng bạo lực đang diễn ra, đồng thời đưa ra một số đề xuất nhằm nâng cao đời sống của người dân như tăng mức lương tối thiểu của người lao động, miễn thuế thu nhập đối với người có mức lương rất thấp và xóa bỏ thuế đối với các hoạt động lao động ngoài giờ.
*Sau khi tuyên bố trên được đưa ra, nhiều chính trị gia thuộc phe đối lập đã lên tiếng phản đối dữ dội. Nổi bật nhất là ông Jean-Luc Melenchon, người có tư tưởng chính trị cánh tả khi gọi cuộc biểu tình là một “cuộc cách mạng của nhân dân” và mong hoạt động này được tiếp tục. Một số khác chỉ trích ông Macron là “đạo đức giả”, rằng chính sách của ông đang làm lợi cho người giàu và những đề xuất trong tuyên bố của ông sẽ không ảnh hưởng nhiều đến người dân Pháp.
Người biểu tình Pháp theo dõi tuyên bố của Tổng thống Macron. |
Châu Á
*Mỹ mới đây đã trừng phạt 3 quan chức cấp cao của chính phủ Triều Tiên, trong đó có 1 cố vấn thân cận với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un với lý do vi phạm nhân quyền. Động thái này diễn ra trong lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump tin rằng ông sẽ gặp mặt ông Kim vào tháng 1 hoặc tháng 2 tới do các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa ở Triều Tiên vẫn chưa đạt được kết quả rõ rệt.
*Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết những cáo buộc về việc tập đoàn Huawei đe dọa an ninh của các nước khác là dựa trên những suy đoán vô căn cứ, không có lợi cho quan hệ hợp tác kinh tế. Người này nói rằng không ai “cung cấp được bất kỳ bằng chứng nào có thể xác nhận chính xác xem Huawei đe dọa và ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của họ bằng cách thức nào”. Trước đó, Phó Chủ tịch Huawei là bà Mạnh Văn Chu đã bị chính quyền Canada bắt giữ do bị nghi vi phạm lệnh cấm vận đối với Iran.