Tin nóng thế giới 18h30: Kiev dùng vũ khí hóa học với dân thường?
Biển Đông:
*Nửa đêm ngày 15/7, Trung Quốc đã dịch chuyển giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam. Lý do được Tân Hoa Xã trích dẫn từ công ty dầu khí CNPC cho biết là vì đã “thu đủ dữ liệu”.
Một trong số lý do dẫn tới việc Trung Quốc dịch chuyển về đảo Hải Nam là điều kiện thời tiết ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang trong mùa mưa bão. Trong vài tháng tới, Biển Đông sẽ đón rất nhiều trận bão và thời tiết sẽ rất khắc nghiệt. Giàn khoan Hải Dương 981 tuy đắt tiền (trị giá hơn 1 tỷ USD) nhưng cũng chỉ có thể chịu được đến gió bão cấp 10. Cơn bão mạnh nhất mà Biển Đông từng đón nhận là cấp 17.
Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan Hải Dương-981 về đảo Hải Nam. |
*Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay (16/7) cũng đưa ra tuyên bố giàn khoan Hải Dương 981 đã kết thúc việc khoan thăm dò trong vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa, nhưng không nói gì về bước đi tiếp theo.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hồng Lỗi dẫn thông báo từ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (CNPC) và Công ty Dịch vụ Mỏ dầu của nước này cho hay, giàn khoan Hải Dương 981 bắt đầu hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa từ ngày 2/5. Công việc khoan thăm dò hoàn tất vào hôm 15/7 theo dự kiến của Bắc Kinh, ông Hồng nói.
Trung Quốc:
*Theo tờ China Youth Daily, với khả năng tự thiết kế và sản xuất các thế hệ chiến đấu cơ ngày càng hiện đại, Trung Quốc sẽ không còn chỉ là một quốc gia chuyên xuất khẩu máy bay chiến đấu chất lượng thấp mà còn cạnh tranh với Mỹ và Nga trong tương lai.
Điều đáng nói là đối với các quốc gia đang phát triển, giá cả các chiến đấu cơ của Trung Quốc cũng "hợp ví tiền" hơn so với máy bay của Mỹ và châu Âu. Đây được xem là lợi thế lớn nhất của Trung Quốc.
Chiến đấu cơXiaolong do Trung Quốc sản xuất. |
China Youth Daily cho biết giá bán một chiến đấu cơ F-16 của Mỹ hiện ở mức 65 triệu USD, Su-27 của Nga là 50 triệu USD trong khi máy bay chiến đấu J-10 của Trung Quốc chỉ dưới 40 triệu USD.
* Tờ Duowei News, trang thông tin tại hải ngoại của Trung Quốc, cho hay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đang cố gắng tăng cường tầm ảnh hưởng của quốc gia mình tại Mỹ Latinh khi mà khu vực này ngày càng có xu hướng bài trừ Mỹ.
Khả năng kiểm soát của Mỹ tại Mỹ Latinh đã bị suy giảm từ thập niên 70 khi khu vực này bắt đầu phản đối việc Washington tăng cường tầm ảnh hưởng, dẫn tới phong trào “phi Mỹ hóa”.
* Một chiếc xe buýt tối 15/7 đã bốc cháy và phát nổ trên một tuyến đường đông đúc tại thành phố Quảng Châu, Trung Quốc, làm ít nhất 2 người chết và hơn 30 người bị thương.
Sự việc xảy ra vào khoảng 19h30 tại Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc. Trong số những người bị thương có một phụ nữ đang mang thai tháng thứ ba. 8 người khác đang trong tình trạng nguy kịch.
Theo CCTV, "vật dụng trong danh mục cấm" được hành khách đưa lên xe, có thể là nguyên nhân dẫn đến vụ cháy.
Ukraine:
*Không quân Ukraine đã bắn 3 quả tên lửa phá hủy tòa nhà chung cư đông dân tại thành phố Snezhnoe, miền đông Donetsk hôm 15/7, khiến ít nhất 11 người thiệt mạng.
Hãng tin AP đưa tin, chính phủ Ukraine đã ngay lập tức phủ nhận liên quan tới vụ tấn công trên song chưa thể đưa ra lời giải thích phù hợp thay thế.
Tòa chung cư 5 tầng bị phá hủy do sức mạnh tấn công từ 3 quả tên lửa của Không quân Ukraine. |
Còn theo RT, hai tầng của tòa chung cư này đã bị phá hủy hoàn toàn. Người dân địa phương và lực lượng phản ứng nhanh đã phải dùng tay để bới đống đổ nát tìm những người sống sót. Trong đó, 12 gia đình đã mất người thân.
*Ngày 15/7, tổng công tố nước cộng hòa Donetsk tự xưng khẳng định quân đội Kiev đã sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường tại khu vực đông nam Ukraine.
Nga:
*Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hôm 14/7 đã ký sắc lệnh cấm các cơ quan chính phủ liên bang và thành phố mua sắm ô tô và trang thiết bị do nước ngoài sản xuất nhằm "duy trì sự cân bằng thiết yếu trên thị trường".
Tuy nhiên, lệnh cấm này không có nghĩa là Nga từ chối hợp tác các công ty nước ngoài mà chuyển sang "thúc đẩy mối quan hệ hợp tác sản xuất giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước dưới hình thức địa phương hóa dây chuyền sản xuất" ông Medvedev nói.
Căn cứ Lourdes từng được Nga sử dụng trong nhiều năm. |
*Tờ Kommersant của Nga hôm 16/7 khẳng định, trong chuyến thăm Cuba vừa qua, Tổng thống Vladimir Putin đã sơ bộ đồng ý việc tái mở lại một căn cứ nghe lén lớn thời Chiến tranh lạnh của Liên Xô cũ trên đất Cuba, từng được dùng để do thám Mỹ.
Cách đây 13 năm, Nga đã đóng cửa căn cứ tình báo Lourdes theo lệnh của ông Putin để tiết kiệm chí phí, và cũng là để thực thi một thỏa thuận với Mỹ sau các vụ tấn công khủng bố ngày 11/9.
Dải Gaza:
*Israel đã nối lại các cuộc không kích tại dải Gaza hôm 15/7 sau khi thỏa thuận được Ai Cập đề xuất về một lệnh ngừng bắn buộc Hamas chấm dứt các hành động tấn công bằng tên lửa, gặp thất bại.
Theo hãng tin Reuters, viễn cảnh hòa bình tại dải Gaza đã hoàn toàn sụp đổ khi các tay súng thuộc phong trào Hồi giáo Hamas phản đối lời kêu gọi của Ả Rập và phương Tây cũng như lời đe dọa tăng cường tấn công từ Israel nhằm vào khu vực sinh sống của 1,8 triệu dân.
Dải Gaza tan hoang sau các cuộc tấn công bằng tên lửa của phong trào Hồi giáo Hamas và Israel. |
Theo cơ quan y tế Palestine, số người thiệt mạng sau 9 ngày không kích của Israel đã lên tới 204, với 1450 người khác bị thương. Về phía Israel, một nam giới thiệt mạng và một số người khác bị thương kể từ sau khi bạo lực bùng phát hôm 8/7.
Philippines:
* AP đưa tin các nhà chức trách Philippines đã sơ tán gần 150.000 người khỏi nhà của họ và đóng cửa thị trường tài chính, các văn phòng chính phủ, doanh nghiệp và các trường học vào ngày hôm nay vì bão Rammasun (Glenda) tiến vào thủ đô Manila.
Bão Rammasun càn quét Philippines. |