Tin nổi bật 16/5: Ukraine xiết chặt cấm vận với Nga, Huawei sắp bị Mỹ "cấm cửa"
Ukraine
*Vào ngày 15/5, chính phủ Ukraine đã tuyên bố sẽ mở rộng danh mục hàng hóa của Nga bị cấm nhập khẩu vào nước này, trong đó bao gồm chai thủy tinh, hộp đựng đồ uống và thực phẩm, nhựa thông v.v... Không chỉ có vậy, Kiev cũng phê duyệt áp đặt mức thuế đặc biệt đối với nhiều hàng hóa do Nga sản xuất, dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 1/8 tới. Trước đó, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cũng phê chuẩn quyết định trừng phạt đối với 294 pháp nhân và 848 cá nhân tham gia xây dựng cầu ở bán đảo Crimea, tổ chức bầu cử ở vùng Donbass và vụ việc ở eo biển Kerch.
Ông Zelensky đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc tranh cử Tổng thống vừa qua. |
*Ông Volodymyr Zelensky sẽ chính thức nhậm chức Tổng thống Ukraine vào ngày 20/5 tới. Trước đó vào ngày 30/4, ủy ban bầu cử Ukraine đã xác nhận ông Zelensky là người thắng cuộc khi ông giành được 73,22% số phiếu ủng hộ của cử tri, bỏ xa đối thủ trực tiếp của mình là Tổng thống đương nhiệm Petro Poroshenko khi ông này chỉ được 24,45%.
Mỹ
*Theo một số nguồn tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có ý định sa thải Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton, khi ông và nhiều quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ lo ngại rằng ông Bolton có thể đưa Mỹ vào một cuộc chiến tranh với Venezuela và Iran. Mới đây, ông Bolton là người đứng sau đề xuất triển khai 120.000 binh lính Mỹ tới Trung Đông trong trường hợp Iran phát triển vũ khí hạt nhân.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton. |
*Tổng thống Trump vừa đưa ra một mệnh lệnh hành pháp có nội dung tuyên bố tình trạng khẩn cấp và cho phép Bộ Thương mại Mỹ ngăn chặn bất kỳ hoạt động giao dịch nào ẩn chứa “mối đe dọa về sự phá hoại hoặc cản trở” các dịch vụ viễn thông của Mỹ, cũng như “hiểm họa đối với những hậu quả to lớn đối với sự an toàn của các cơ sở hạ tầng quan trọng hay nền kinh tế số” của nước này trong bối cảnh “các đối thủ nước ngoài đang ngày càng có nhiều hình thức để tạo ra hoặc lợi dụng những lỗ hổng trong công nghệ và dịch vụ thông tin và viễn thông” của Mỹ. Mặc dù mệnh lệnh không nêu đích danh bất kỳ quốc gia nào, song nhiều người tin rằng các tập đoàn viễn thông như ZTE và Huawei của Trung Quốc sẽ là những mục tiêu đầu tiên.
Trung Đông
*Trong lúc căng thẳng giữa Mỹ và Iran đang ngày càng nóng, quân đội Đức và Hà Lan mới đây tuyên bố ngừng các hoạt động huấn luyện quân sự cho quân đội Iraq do một hiểm họa an ninh lớn đã xuất hiện, mặc dù họ “tạm thời chưa thảo luận” về việc rút quân về nước. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Mỹ yêu cầu các nhân viên ngoại giao cấp thấp đang làm việc tại Iraq về nước trong thời gian sớm nhất.
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã nóng lên trong thời gian gần đây. |
*Theo các quan chức Mỹ, một loạt ảnh chụp trên cao cho thấy một loại tên lửa đạn đạo do Iran chế tạo được trang bị trên một tàu chiến nhỏ của Hải quân nước này đã khiến họ quan ngại rằng Iran có thể sử dụng tên lửa này để tấn công quân đội Mỹ. Hiện Mỹ vẫn chưa chính thức công bố những hình ảnh này cùng nhiều thông tin tình báo khác mà họ thu thập được về Iran do lo ngại chúng vẫn không đủ sức thuyết phục đối với dư luận và Quốc hội Mỹ.
Venezuela
*Trong bối cảnh Venezuela đang trải qua một cuộc khủng hoảng chính trị lớn, một quan chức Nga cho biết việc Moscow và Caracas có thể ký kết thỏa thuận mua bán vũ khí mới là điều không thể. Ông này cho biết Venezuela là quốc gia sử dụng nhiều thiết bị quân sự của Nga nhất trong khu vực, và lúc này “Mỹ đang cố tính dùng lệnh cấm vận để ngăn chặn quá trình vận chuyển linh kiện và tổ hợp vũ khí” giữa hai nước, một hành động mà ông gọi là “canh tranh không lành mạnh” trên thị trường quốc phòng thế giới.
Châu Âu
Liên minh Châu Âu sẽ sụp đổ trong 20 năm tới? |
*Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đây đã phát biểu rằng dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 “gần như đã được phê duyệt hoàn toàn” và vì vậy sẽ không thể bị hủy bỏ, đồng thời tái khẳng định dự án này hoàn toàn phục vụ mục đích thương mại và Ukraine vẫn là điểm trung chuyển khi đốt quan trọng đối với EU.
*Theo cuộc khảo sát mới nhất, hơn một nửa số người dân Châu Âu được hỏi tin rằng EU có khả năng cao tan rã trong vòng 10 hoặc 20 năm tới. Cụ thể, có đến 58% số người Pháp và 66% người Slovakia được hỏi cho biết đây là điều có thể xảy ra. Ngoài ra, rất nhiều người Châu Âu tỏ ra không hài lòng về chất lượng sống của mình, khi chỉ có khoảng 1/3 số người Đức và 1/3 số người Pháp và Ý trả lời rằng họ có tiền dư giả vào cuối mỗi tháng.