Tin nổi bật 13/6: Trung Quốc, Mỹ, EU đồng loạt lên tiếng về biểu tình ở Hong Kong
Tổng thống Ukraine Zelensky |
Tình hình Ukraine:
*Phát biểu trên kênh truyền hình "112 Ukraine", ông Andrei Gerus – đại diện của Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky đã đề xuất một phương thức mới để mua khí đốt của Nga.
Cụ thể, ông Gerus đề nghị các nhà lãnh đạo của đảng “Nền tảng đối lập vì cuộc sống” là ông Yuriy Boyko và Viktor Medvedchuk thành lập một công ty tư nhân có thể tham gia thỏa thuận với Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom và cung cấp khí đốt cho Ukraine.
Bình luận về ý tưởng mới của Kiev nhằm mua khí đốt Nga thông qua một công ty tư nhân, người đứng đầu Trung tâm phân tích Ukraine, nhà kinh tế học Alexander Okhrimenko cho rằng, đây là một tuyên bố hoàn toàn mạo hiểm, bởi vì theo luật Ukraine, sáng kiến này sẽ không thành công.
*Hội đồng tên địa lý Mỹ nhất trí quyết định thay cách viết tên của thủ đô Ukraine từ "Kiev" thành "Kyiv". Sự thay đổi cơ sở dữ liệu sẽ được thực hiện từ ngày 17/6.
Đại sứ quán Ukraine tại Mỹ lưu ý rằng, quyết định này rất quan trọng đối với việc thay đổi chữ viết tên của thủ đô Ukraine trên toàn thế giới, bao gồm cả trên các chuyến bay quốc tế và tại các sân bay nước ngoài.
Mỹ "đổi tên" thủ đô của Ukraine |
*Tân Hoa Xã ngày 12/6 đưa tin, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky dự kiến có cuộc gặp đầu tiên với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Berlin vào ngày 18/6 tới.
Theo Văn phòng Tổng thống Đức, Tổng thống nước này Frank-Walter Steinmeier sẽ gặp người đồng cấp Ukraine Vladimir Zelensky vào ngày 18/6 tại Cung điện Bellevue ở thủ đô Berlin, nơi ở chính thức của Tổng thống Đức.
Hãng tin Interfax-Ukraine dẫn lời người phát ngôn của Chính phủ Đức Steffen Seibert cho biết, "Thủ tướng Đức cũng sẽ gặp ông Zelensky trong ngày 18/6" và đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên của giữa Thủ tướng Merkel và Tổng thống Zelensky, cho dù trước đó họ từng điện đàm với nhau.
Trước khi thăm Đức, Tổng thống Ukraine Zelensky sẽ thăm Paris và gặp người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron vào ngày 17/6.
Biểu tình ở Hong Kong |
Biểu tình ở Hong Kong:
*Tổng thống Trump ngày 12/6 cho biết ông hiểu nguyên nhân dẫn đến các cuộc biểu tình tại Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), song hy vọng rằng những người biểu tình tại đây có thể giải quyết vấn đề ổn thỏa với Bắc Kinh.
Cùng ngày (12/6), Liên minh châu Âu (EU) cho biết chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) phải tôn trọng quyền công dân, trong khi tất cả các bên nên kiềm chế sau các cuộc biểu tình bạo lực phản đối dự thảo luật sửa đổi cho phép dẫn độ tội phạm sang các quốc gia và vùng lãnh thổ chưa có hiệp ước dẫn độ với Hong Kong, bao gồm Trung Quốc đại lục.
*Ngày 12/6, Bộ Ngoại giao Đức cho biết nước này sẽ xem xét về tính khả thi của thỏa thuận dẫn độ với Hong Kong,nếu chính quyền Đặc khu hành chính này thông qua dự luật dẫn độ gây tranh cãi nhằm tạo điều kiện thuận lợi và dễ dàng hơn trong việc đưa các nghi phạm tới Trung Quốc xét xử.
Biểu tình ở Hong Kong |
*Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 13/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết, chính quyền trung ương nghiêm khắc lên án phản ứng bạo lực của những người biểu tình ở Hong Kong, đồng thời khẳng định sự ủng hộ đối với chính quyền tại đặc khu này.
Cùng ngày, những cuộc ẩu đả đã bùng phát giữa những người biểu tình và cảnh sát Hong Kong khi hàng trăm người vẫn nán lại trên các đường phố để phản đối dự luật dẫn độ với Trung Quốc đại lục, một ngày sau khi cảnh sát bắn hơi cay và đạn cao su vào những người biểu tình.
Mục đích thực sự của Thủ tướng Nhật Bản Abe khi thăm Iran là gì? |
Những tin nổi bật khác:
*Ria Novosti dẫn một nguồn thạo tin ngày 12/6 cho biết mục đích thực sự của chuyến thăm đầu tiên tới Iran sau 41 năm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là nhằm đưa nhà lãnh đạo tinh thần Đại giáo chủ Ali Khamenei tới Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ được tổ chức tại Osaka trong tháng này và tổ chức các cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Chuyến thăm Iran của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kéo dài từ ngày 12-14/6/2019.
*Ria Novosti đưa tin, Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 12/6 tuyên bố áp lực tiềm tàng của Washington đối với Tehran đã cạn kiệt, tình hình ở nước này đã được cải thiện nhiều so với năm ngoái.
*Reuters đưa tin, ngày 12/6, Chủ tịch đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), bà Annegret Kramp-Karrenbauer cho rằng, Mỹ phải góp phần vào nỗ lực quốc tế bảo vệ xu thế và giúp châu Âu đối phó thách thức với một nước Trung Quốc đang trỗi dậy, đồng thời cho rằng việc chia sẻ gánh nặng kinh phí quân sự khá lớn nằm ngoài ngân sách chi tiêu quốc phòng.
Tổng thống Mỹ Trump, Thủ tướng Đức Merkel |
*Ria Novosti đưa tin, phát biểu trong cuộc họp báo ngày 12/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố, bất kỳ mọi nỗ lực và âm ưu nhằm gieo rắc sự thù địch giữa Nga và Trung Quốc đều sẽ thất bại.
*Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/6 cho biết ông sẽ gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), dự kiến diễn ra tại Osaka, Nhật Bản vào cuối tháng 6 này.
*Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã có những nhận định về việc Mỹ tiếp tục gây sức ép đối với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad và áp đặt những hình thức trừng phạt mới.
*Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây cho biết, ông đang xem xét kế hoạch áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Dòng chảy Phương Bắc 2,một dự án đường ống dẫn khí đốt giữa Nga và một số nước Châu Âu hợp tác thực hiện.
Tổng thống Nga Putin |
*Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ hi vọng sau hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới ở Nhật Bản, Moscow và Washington sẽ có thể có những giải pháp mang tính xây dựng để cứu vãn quan hệ ngày càng xấu đi giữa hai bên.
*Tàu sân bay trực thăng Izumo của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản cùng tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan đã tiến hành tập trận chung ở Biển Đông từ ngày 10 - 12/6. Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, cuộc tập trận mô phỏng khả năng cùng tấn công trên biển và trên không của quân đội Mỹ - Nhật.