Tìm người bạn đời hoàn hảo, hãy đến… viện dưỡng lão!

Vợ chồng phải biết nhượng bộ, kiềm chế, và nhất là phải tự nguyện “bào mòn” bớt cá tính để phù hợp với nhau.

Người ta thường đùa: “Nhà văn nói láo, nhà báo nói thêm”. Dù được thừa nhận đã đóng cả hai vai trò đó, nhưng phải “nói luôn cho nó vuông”, trong câu chuyện sắp kể, tôi không hề dám bịa dù một mảy may. 

Chuyện rằng, trên tờ báo nọ, có đăng một mẩu tin đã từng khiến quý cô, quý bà náo nức săn đuổi, nếu nhanh tay lẹ chân ắt có cơ may như vớ được giải thưởng của xổ số Vietlott: “Tôi là người đàn ông hoàn hảo. Không rượu chè bia bọt. Không nhậu nhẹt bê tha. Không hút thuốc lá. Tuyệt đối không đánh vợ dù bằng cánh hoa hồng. Suốt đời trung thành với vợ, không hề ngắm nhìn bất kỳ nhan sắc nào ngoài vợ. Sống rất kỷ luật. Sinh hoạt lành mạnh. Biết giữ gìn sức khỏe. Ăn ngủ đúng giờ. Không tiêu xài phung phí. Không thức khuya lang thang trên mạng chát chít hoặc chơi game trực tuyến… Nay, tôi muốn tìm người đầu ấp tay gối để chung sống trọn đời”.

Lập tức thông tin này “dậy sóng”, vì rằng, thời buổi này mà tìm được một người chồng gương mẫu cỡ này, thiệt quý hóa. 

Thật thế, trong đời sống vợ chồng, đâu phải ai cũng có cơ may được chung sống hòa hợp, hạnh phúc để mỗi ngày mở mắt ra có thể ưỡn ngực hài lòng: “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ Ta có thêm ngày nữa để yêu thương” (Kahlil Gibran - Nguyễn Nhật Ánh dịch). Mà đáng tiếc thay, thỉnh thoảng hoặc thường xuyên giữa vợ và chồng có những cuộc cãi vã: nhẹ thì mặt nặng mày nhẹ, đá thúng đụng nia; nặng thì bát đĩa bay loảng xoảng, cứ như “vật thể lạ” đáp xuống nhà mình.

Nghĩ mà rầu!

Nhiều người cho rằng, sự hòa hợp, ăn ý, khắng khít như răng với môi trong thời gian 'thả thính' yêu đương, sẽ là yếu tố quyết định hạnh phúc. Điều này, có thể đúng như chưa chắc. Tình yêu là tình yêu. Hôn nhân là hôn nhân. Khó thể liệt kê hết những chênh lệch trong đời sống vợ chồng, từ sở thích mua sắm, chưng diện… đến ăn uống, du lịch…

Ủa, sao lạ thế? Họ cứ tưởng người của mình thời say đắm: “Ôi, hoa kề vai hương ngát mái đầu/ Đêm nào nghe bước mộng trôi mau” (Đinh Hùng), nay đã “lột xác” trở thành người khác hẳn. Trước, dù không thích ăn món Tây, món Tàu, nhưng hễ “đối tượng” thích là chiều, dẫu “đau” tiền, dẫu ngồi ăn cứ như nhai sạn, nhưng vẫn hơn hớn khen ngon, để rồi sau đó, lúc quay về nhà ăn cơm nguội chan nước mắm cũng phơi phới tâm hồn. Nay, hễ nghe nhắc tới thì kiên quyết không là không.

Trước, dẫu mưa gió dầm dề, bão bùng rét buốt, đang nằm trong chăn êm nệm ấm nhưng “đối tượng” chỉ cần nhắn tin ỡm ờ: “Ước gì có chè, làm sao đây ta?”, lập tức đội gió đội mưa tếch ngay xuống phố. Nay, đừng hòng. Biết bao chuyện thay đổi cái xoạch.

Đành rằng, mỗi người có mỗi sở thích, không ai giống ai. Thế nhưng, khi đang say đắm mơ màng, với họ thế giới xung quanh chẳng là “cái đinh” gì cả. Thời gian đằm thắm ấy, cả hai như hòa nhập vào nhau từ sở thích đến suy nghĩ: “Để nghe tơ liễu run trong gió/ Và để xem trời giải nghĩa yêu” (Hàn Mặc Tử). Nếu mãi mãi như thế, tốt quá!

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhưng hỡi ôi, đời không như là mơ, lúc đã cơm chung mâm, ngủ chung giường, lại có nhiều tình huống, nhiều vấn đề nảy sinh mà cả hai không thể lường hết. Này cơm áo gạo tiền cho sinh hoạt trong nhà, này bỉm sữa cho con, này ứng xử họ hàng đôi bên, này quan hệ bạn bè, này cái điện thoại có tin nhắn báo cuộc gọi đến gọi đi… cứ mỗi ngày lại phát sinh thêm những cái lằng nhằng khác nữa.

Mệt cả đầu! 

Đơn giản chỉ vì cả hai không tìm được tiếng nói chung. Trước đó, sở dĩ mọi việc dẫu có khó cỡ lấp sông, dời núi, họ vẫn xem “nhẹ như lông hồng”, miễn chàng/nàng hài lòng là vui rồi, không so đo toan tính gì sất. Nhưng một khi đã thành chồng thành vợ, đã thấu hiểu tận chân tơ kẽ tóc, thì mọi sự lại dần thay đổi.

Thay đổi ở đây, tức là do họ xác lập vị trí của mình trong quan hệ này, trong cái nhà cụ thể này. Tớ là vợ thì tớ phải thế này, nhớ chửa? Tớ đã là chồng thì tớ phải thế nọ, thế kia, nhớ chửa? Nhấn mạnh đến thế, nhưng rồi người kia thèm nhớ cho đâu, lúc thích thì nhớ, không thích thì cố tình quên. 

Tất cả “sinh sự sự sinh” xảy ra, nói lên điều gì? 

Là cái tôi của mỗi người to tổ chảng như tảng đá che trước mắt, không còn thấy gì xung quanh mình nữa, dẫu sát sàn sạt bên cạnh là vợ/chồng. Không ai chịu nhường nhịn ai. Họ quên rằng, vợ và chồng là hai cá thể rất khác nhau, nếu soi rọi từ tâm lý đến tính cách, từ sở thích đến ứng xử…

Do đó, cần phải tự ý thức từ đây mình không thể làm mọi việc như lúc độc thân. Nói cách khác, cả hai phải biết nhượng bộ, kiềm chế, và nhất là phải tự nguyện “bào mòn” bớt cá tính để phù hợp với nhau.

Khó quá đi mất. Chẳng khó gì, vì “đối tượng” trong tình huống này, không ai khác mà chính là “một nửa” - một phần cần thiết máu thịt trong cuộc đời của mình. Nếu suy nghĩ được như thế, tự khắc mỗi người sẽ có cách “hóa giải” dễ như lật bàn tay.

Tôi chỉ dám quả quyết như vậy, chứ không dám bàn sâu vào trường hợp cụ thể nào, bởi “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Tóm lại, điều quan trọng nhất để dung hòa, thì cốt lõi vẫn là quên mình đi, quên cái tôi đi, mà quan tâm nhiều hơn cảm xúc của vợ/chồng.

Hôn nhân không phải kết thúc, đã chạm đến mục tiêu săn đuổi thời yêu nhau là có thể ngủ ngon trên “chiến thắng”. Không, đây mới chính là lúc mở ra giai đoạn mới mà cả hai còn “nai tơ” lắm, còn phải ý thức tự điều chỉnh chán chê, nếu muốn thật sự có được mái ấm. 

Trở lại câu chuyện “người đàn ông hoàn hảo” kể trên, cuối cùng thế nào? Thì đây, với thông tin quý như vàng ấy, các cô nàng đã nhanh chóng tranh nhau tìm đến ngỏ lời cầu hôn trong tâm trạng chắc mẩm lấy người này làm chồng ắt hạnh phúc, sung sướng nhất đời, tha hồ được chiều chuộng, được nâng như trứng hứng như hoa…

Nhưng xin thưa, họ bẽ bàng, thất vọng não nề, vì địa chỉ họ tìm đến, lại chính là… viện dưỡng lão! 

Họ quên rằng, vợ và chồng là hai cá thể rất khác nhau, nếu soi rọi từ tâm lý đến tính cách, từ sở thích đến ứng xử… Do đó, cần phải tự ý thức từ đây mình không thể làm mọi việc như lúc độc thân. 

Theo phunuonline.com.vn

Dành cả đời chăm lo cho con riêng của chồng, mẹ kế trắng tay khi về già

Lo xong tang lễ của bố, anh trai tôi đề nghị mẹ kế ký cam kết từ chối nhận tài sản. Yêu cầu của anh khiến mẹ kế tủi thân.

Mẹ chồng đi 1.200km về nhà thông gia đón cháu, con dâu bật khóc vì cảm động

Khoảnh khắc biết mẹ chồng đi 1.200km về đón cháu, Mơ (tên ở nhà là Nguyên) rưng rưng xúc động. Cô vừa thương mẹ chồng vất vả vừa cảm động trước tấm lòng yêu con thương cháu của bà.

Em bán mảnh đất vườn, anh trai chở mẹ đến đòi 200 triệu dưỡng già

Dù có công khai hoang nhưng tôi chỉ được thừa kế một mảnh vườn ở xa, còn phần lớn đất đai giá trị cha mẹ đều sang tên cho anh trai.

Bạn gái kém 14 tuổi của anh trai khiến tôi và mẹ ngán ngẩm

Cuối tuần trước, anh trai tôi dẫn người yêu về ra mắt gia đình. Cả nhà tôi rất mong chờ điều này do anh đã lớn tuổi. Tuy nhiên, cách cư xử của cô ấy khiến gia đình tôi rất thất vọng.

Chồng tự dưng hết mực chăm sóc mẹ vợ, biết lý do tôi lập tức đưa bà về quê

Người ta nói “Không ai tốt với người khác mà không có lý do, ngoại trừ cha mẹ của họ” thật chẳng sai chút nào và câu chuyện của tôi là một minh chứng.

Mở phong bì thưởng Tết của chồng, vợ sững sờ thấy dòng chữ phía trên

Nhiều năm nay, tôi vốn không mấy khi hỏi cụ thể chuyện thưởng Tết của chồng, vì anh “dị ứng” chuyện vợ tra khảo tiền bạc. Nhưng có lẽ vì sự dễ dãi này, chồng coi tôi như người ngoài.

Xin về ăn Tết nhà ngoại, nàng dâu bật khóc nghe bố chồng nói 6 câu

Hơn 10 năm lấy chồng, chưa năm nào tôi được về đón giao thừa cùng bố mẹ đẻ. Thấy bạn bè năm ăn Tết nhà nội, năm ăn Tết nhà ngoại mà tôi lại chạnh lòng.

Chồng ngoại tình, bỏ đi theo bồ, sau 2 năm bỗng trở về cầu xin tôi tha thứ

Tại sao khi tôi đã dần nguôi ngoai, ổn định cuộc sống thì người chồng ngoại tình lại quay trở về? Đau lòng nhất là tại sao bố mẹ chồng và các con tôi lại ủng hộ anh ta?

Vợ chồng ở Thái Bình tuyên bố vỡ hụi, hàng chục người mang quan tài đi tìm

Trước thông tin chủ hụi vỡ nợ, nhiều người xã Nam Trung (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) kéo đến gây áp lực để đòi tiền. Có trường hợp cho biết đã góp hụi gần 10 tỷ đồng.

6 chị em ruột không lấy chồng, sống cùng nhau dưới một mái nhà

Thanh xuân trôi theo những tháng năm nghèo khó, 6 chị em không dám lấy chồng. Không con cái, tuổi già đuổi đến, 6 mảnh đời côi cút sống dựa vào nhau.

Đang cập nhật dữ liệu !