Tìm hiểu Yasukuni – ngôi đền gây tranh cãi
Dưới đây là những câu hỏi và câu trả lời chính về ngôi đền gây tranh cãi này.
Đền thờ Yasukuni là gì?
Đền thờ Yasukuni được xây dựng theo chỉ thị của Hoàng đế Minh Trị vào năm 1869 với tên gọi đền thờ Shinto nhằm tưởng niệm những người thiệt mạng trong cuộc đấu tranh để khôi phục quyền cai trị của ông sau nhiều thế kỷ Nhật Bản chịu sự cai trị của quân đội.
Sau này, vai trò của ngôi đền này đã được mở rộng. Những người Nhật Bản theo chủ nghĩa Shinto cho rằng linh hồn của 2,5 triệu người dân nước này thiệt mạng trong chiến tranh bao gồm cả những người chết trong Chiến tranh thế giới II đang được tưởng niệm ở ngôi đền này.
Mặc dù bị các nước đồng minh tước bỏ vị thế vào năm 1945, ngôi đền này vẫn là một biểu tượng đầy quyền uy và đã được hoàng đế thời chiến của Nhật Bản Hirohito đến thăm 8 lần tới năm 1975.
Nhiều nước vẫn thường có các hoạt động tưởng nhớ nạn nhân của chiến tranh, vậy tại sao Trung Quốc và Hàn Quốc lại khó chịu về chuyến thăm của ông Abe đến thế?
Những nhân vật theo chủ nghĩa dân tộc trong đó có ông Shinzo Abe thường lập luận rằng đền Yasukuni không khác Nghĩa trang quốc gia Arlington của Mỹ (là nơi an táng của hơn 290.000 người, trong đó phần lớn là các binh lính, sĩ quan hoặc cựu chiến binh của quân đội Mỹ).
Nhưng không giống như nghĩa trang Arlington, đền Yasukuni là biểu tượng của lịch sử mà một số người nhìn nhận là không thể chấp nhận được. Ngôi đền này khiến Nhật Bản có vẻ giống nạn nhân của Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh thế giới II hơn và ít nhắc đến những hành động tàn bạo của quân đội Nhật trong thời kỳ chiếm đóng các quốc gia châu Á – đặc biệt là Trung Quốc và Hàn Quốc – đầu thế kỷ 20.
Điều quan trọng là 14 lãnh đạo Nhật Bản trong thời kỳ Chiến tranh thế giới II- trong đó bao gồm các tướng quân đội và Thủ tướng Hideki Tojo, những người được Tòa án quân đội quốc tế xếp vào nhóm tội phạm chiến tranh “hạng A” – cũng được bí mật đưa vào danh sách những người được tưởng niệm ở đền Yasukuni vào năm 1978. Bí mật này được tiết lộ vào năm 1979.
Nếu ngôi đền gây ra nhiều rắc rối như vậy, tại sao các nhà lãnh đạo Nhật Bản vẫn nhất quyết tới thăm?
Không phải nhà lãnh đạo Nhật Bản nào cũng đến thăm ngôi đền này. Kể từ thời kỳ Chiến tranh thế giới II, chỉ có 15 thủ tướng – tức một nửa số thủ tướng Nhật Bản từ đó đến nay- tới đền thờ này. Trong khi đó, Nhật Hoàng Akihito chưa bao giờ tới thăm ngôi đền này (cha của ông đã dừng tới thăm ngôi đền này trước khi 14 tội phạm chiến tranh được đưa vào danh sách những người được tưởng niệm trong ngôi đền).
Trước chuyến thăm đền Yasukuni ngày hôm qua của ông Abe, lần cuối cùng một thủ tướng Nhật Bản tới thăm đền này là chuyến thăm năm 2006 của ông Junichiro Koizumi. Trong nhiệm kỳ trước vào 2006-2007, ông Abe không tới thăm ngôi đền này.
Các chính trị gia cấp cao Nhật Bản tới thăm ngôi đền này lập luận rằng họ đang làm giống như các chính trị gia các nước khác khi tới thăm các liệt sĩ của nước họ.
Một nhóm nhỏ các chính trị gia Nhật Bản có tư tưởng cực đoan cho rằng nước này đã bị chỉ trích không công bằng về thời kỳ quá khứ chiến tranh và thời kỳ xây dựng đế chế Nhật Bản không khác gì các cường quốc châu Âu.
Những nhân vật có tư tưởng cực đoan trong chính trường Nhật Bản cho rằng trong quá khứ, nước này đã sửa sai bằng những hành động như trả một khoản tiền đền bù lớn cho Seoul vào những năm 1960 và nói xin lỗi vô số lần.
Đối với một số người, tới thăm đền Yasukuni phần nào là hành động mang tính chất xem xét lại lịch sử một cách cân bằng và thể hiện tinh thần yêu nước của họ.
Vậy có thể hậu quả của chuyến thăm này sẽ là gì?
Theo những gì đã diễn ra trước đây, có thể sau chuyến thăm đền Yasukuni ngày hôm qua của ông Abe, mối quan hệ giữa Nhật Bản và các nước láng giềng sẽ xấu đi.
Kể từ khi lên nắm quyền vào cuối năm ngoái, ông Abe chưa từng gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye.
Mỹ, quốc gia là đồng minh của Nhật Bản và Hàn Quốc, tỏ ra giận dữ khi hai đồng minh của nước này “hục hặc” nhau vì Mỹ cho rằng thế giới cần phải đoàn kết để ngăn chặn một Trung Quốc đang lớn mạnh.
Mối quan hệ Bắc Kinh và Tokyo vẫn căng thẳng về vấn đề chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Đến nay quân đội của cả hai nước đã tham gia vào những lần đối đầu ở vùng biển hoặc không phận quanh quần đảo này khiến dư luận thế giới lo ngại về nguy cơ xảy ra giao tranh ngoài ý muốn.