Tìm đại sứ quảng bá du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Chiều 22/5, tại TP. Cần Thơ đã diễn ra buổi công bố cuộc thi "Đại sứ du lịch Cửu Long 2021".
Sự kiện nêu trên diễn ra trong bối cảnh suốt thời gian qua, ngành du lịch cả nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng chịu tác động rất nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19.
Theo Thạc sĩ Trần Minh Lý, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng cho biết, dù đã có nhiều nỗ lực trong đổi mới phương thức và mô hình hoạt động nhằm tạo ra các sản phẩm độc đáo, hấp dẫn nhưng ngành du lịch các tỉnh, thành phố phía tây ĐBSCL đã gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, năm 2020, du khách đến các tỉnh trong cụm các tỉnh, thành phố phía Tây ĐBSCL chỉ đạt hơn 21 triệu lượt người, giảm hơn 35% so năm 2019; trong đó, du khách quốc tế chỉ đạt hơn 361.000 lượt người, giảm 75% so cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch toàn cụm chỉ đạt hơn 19.000 tỷ đồng, giảm 46% so cùng kỳ.
Dù khó khăn do đại dịch Covid-19 vẫn còn kéo dài, nhưng những bài học kinh nghiệm vượt “bão Covid-19” vừa qua sẽ là nền tảng để du lịch Việt Nam nói chung và Du lịch ĐBSCL nói riêng có thể chủ động ứng phó với các thách thức mới, duy trì đà phát triển bền vững và tiếp tục khẳng định vị thế của du lịch Việt Nam ở khu vực và thế giới trong năm mới này.
Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đã cùng phân tích, nhận định tình hình và thống nhất đưa ra các giải pháp kích cầu du lịch khi tình hình dịch bệnh được đẩy lùi. Đó là, tiếp tục cụ thể hóa các nội dung Thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL, cũng như các nội dung hợp tác liên kết giữa các địa phương trong cụm.
Tăng cường chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về du lịch giữa các địa phương và giới thiệu các sản phẩm du lịch tại miền trung, Tây Nguyên, TP Hà Nội và các tỉnh vùng Tây Bắc... Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa về du lịch nhằm phục vụ du khách ngày càng tốt hơn tại các địa phương...
Ảnh minh họa |
Cụm liên kết hợp tác phát triển du lịch phía tây ĐBSCL gồm bảy tỉnh, thành phố: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Hậu Giang. Cụm có diện tích 23.978 km2, chiếm 59,1% diện tích của Vùng ĐBSCL; dân số hơn 9,2 triệu người chiếm 52,4% dân số của Vùng ĐBSCL. Hệ sinh thái đa dạng, những cảnh quan đặc sắc, hấp dẫn được hình thành trên các điều kiện tự nhiên về sinh thái, sông nước, đồi núi, biển đảo. Bên cạnh đó, văn hóa vùng miền độc đáo với bốn dân tộc: Kinh, Khmer, Hoa, Chăm thể hiện qua phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo, lễ hội dân gian, các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống và tính cách con người hiền hòa, hiếu khách… hình thành nên sản phẩm du lịch thú vị, hấp dẫn du khách.
Cụm phía Tây ĐBSCL đã xây dựng, phát triển nhiều loại hình và sản phẩm du lịch đăc trưng gắn với liên kết vùng như: Du lịch sinh thái (sông, núi, biển, đảo, rừng…) du lịch sông nước miệt vườn, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh…
Ngoài ra, việc tìm kiếm đại sứ để quảng bá hình ảnh, kích cầu nhằm vực dậy ngành du lịch của vùng ĐBSCL là vô cùng cần thiết. “Chúng tôi tổ chức cuộc thi tìm kiếm đại sứ du lịch để thực hiện các chương trình kích cầu cho ngành du lịch ĐBSCL”, đại diện Ban tổ chức cuộc thi "Đại sứ du lịch Cửu Long 2021" cho biết.
Theo thông tin được công bố, cuộc thi “Đại sứ du lịch Cửu Long 2021” sẽ tuyển chọn thí sinh nam và nữ trên phạm vi cả nước đối với công dân Việt Nam (nam và nữ) trong độ tuổi 18 đến 29 nhằm tìm ra quán quân Đại sứ du lịch Cửu Long 2021 nam và nữ, cũng như nhiều danh hiệu và giải thưởng khác.
Ngoài tiêu chí tuổi, Ban tổ chức cũng quy định, đối tượng dự thi phải có sức khỏe và tư cách đạo đức tốt. Ngoài ra, phải tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên (hoặc tương đương), chiều cao 1,7m đối với nam và 1,6m đối với nữ.
Dự kiến, thời gian sơ khảo tại TPHCM và các tỉnh ĐBSCL diễn ra từ tháng 6, 7, 8/2021. Chung kết cuộc thi diễn ra vào tháng 12/2021 tại TP. Cần Thơ.
Cũng theo Ban tổ chức, thí sinh đoạt danh hiệu Nam vương và Hoa hậu sau đó sẽ chính thức đại diện cho ngành du lịch ĐBSCL trong vòng 2 năm.
Hoàng Thanh