Du lịch xứ Thanh và triển vọng xóa bỏ định kiến
Sở hữu tài nguyên được ví von với Việt Nam thu nhỏ nhưng nhiều năm nay, du lịch Thanh Hóa vẫn “dậm chân tại chỗ”, thậm chí mang nhiều định kiến.
Với làn gió mới từ các nhà đầu tư chiến lược như Sun Group, căn bệnh trầm kha của du lịch Thanh Hóa được kỳ vọng sớm có thuốc giải.
“Dậm chân tại chỗ” vì đâu?
Trở về từ chuyến du lịch 3 ngày - 2 đêm đến Sầm Sơn hồi đầu tháng 4, chị Thu Huyền (Đoàn Thị Điểm, Hà Nội) cho biết: “Đến đây vào đúng ngày cao điểm, chúng tôi phải thuê tạm một nhà khách để ở. Cơ sở vật chất dở tệ. Chưa kể, tâm lý không thoải mái vì lo bị chặt chém, uống từ quả dừa, ăn quả ổi hay ngồi ghế ở Sầm Sơn cũng phải hỏi kỹ giá tiền. Tôi không nghĩ gia đình mình sẽ quay lại đây cho đến khi du lịch, dịch vụ và mọi thứ phát triển hơn”.
Du khách tắm biển Sầm Sơn mỗi dịp hè. |
Không ít du khách có tâm lý ngần ngại quay trở lại Thanh Hóa như gia đình chị Huyền. Mỗi năm, bình quân, du lịch biển Thanh Hóa chỉ đón chưa tới 90 ngày khách vào mùa hè. Tư tưởng “mài dao 9 tháng chém 3 tháng” của người dân nơi đây vẫn khiến nhiều du khách e sợ, dù vài năm gần đây, chất lượng dịch vụ của điểm đến đã được cải thiện đáng kể. Sầm Sơn nói riêng và Thanh Hóa nói chung, vì thế, vẫn chưa thể xóa bỏ những định kiến trong du khách về một điểm đến nghèo nàn sản phẩm, trải nghiệm du lịch, dịch vụ chặt chém, hạ tầng yếu kém… Toàn tỉnh hiện có 925 cơ sở lưu trú, trong đó, chỉ 42 khách sạn từ 3-5 sao.
Chị Minh Anh (Thái Bình) cho biết: “Nhóm bạn tôi đã bàn nhau về chuyến du lịch 3 đêm cho kỳ nghỉ lễ nhưng thực sự Thanh Hóa ngoài tắm biển không có gì chơi, chúng tôi đã rút ngắn thời gian ở. Du lịch ở đây thiếu thốn trải nghiệm cho mọi lứa tuổi, ban đêm cũng không có hoạt động giải trí gì”.
Biển Sầm Sơn. |
Có diện tích lớn thứ 5 cả nước, nằm ở cửa ngõ nối liền Bắc Bộ với Trung Bộ, cách thủ đô Hà Nội và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ chỉ 150km về phía Nam, Thanh Hóa là một trong số ít các địa phương có đầy đủ 3 vùng địa lý ven biển, đồng bằng và trung du miền núi, đặc biệt là đường bờ biển dài 102km. Xứ Thanh còn là vùng đất cổ, chiếc nôi của người Việt với 1.535 di tích lịch sử văn hóa, danh lam, thắng cảnh mang tầm quốc gia, quốc tế. Thanh Hòa giàu tiềm năng phát triển du lịch, điều đó không phải bàn cãi. Tuy nhiên, nhiều thập kỷ qua, những lợi thế về “đất” và “người” nơi đây vẫn chưa được khai thác đúng tầm.
Đền Độc Cước - Sầm Sơn. |
Giai đoạn 2016 - 2020, Thanh Hóa đón khoảng 38,3 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,4%/năm, trong đó khách quốc tế chỉ khoảng 906.760 lượt. So ngay với người “hàng xóm” Ninh Bình thôi, thật không khỏi ngậm ngùi. Từ năm 2016, lượng du khách đến Ninh Bình tăng 12% mỗi năm, doanh thu du lịch tăng 25,4%/năm.Tính riêng năm 2019, lượng khách quốc tế đến Ninh Bình đạt 970.000 lượt, nhiều hơn tổng lượng du khách quốc tế đến Thanh Hóa trong cả 5 năm.
Liều thuốc kỳ vọng cho căn bệnh trầm kha
Theo ông Nguyễn Văn Thi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thì địa phương này có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nên thời gian gần đây, Thanh Hóa đã thu hút được rất nhiều dự án lớn với số vốn đầu tư khổng lồ nhằm “lột xác” nền du lịch tỉnh nhà. Ông Thi kỳ vọng: “Rất nhiều dự án lớn từ các tập đoàn lớn, đặc biệt là các “sếu đầu đàn” như Sun Group, Vingroup… chắc chắn khi hoàn thành xong sẽ giúp du lịch Thanh Hóa phát triển mạnh mẽ”. Đây cũng được kỳ vọng là liều thuốc mạnh chữa căn bệnh trầm kha của du lịch địa phương.
Phối cảnh đại dự án đô thị phức hợp Sun Grand Boulevard do Sun Group phát triển tại Sầm Sơn. |
Đồng hành cùng khát vọng đổi thay của Thanh Hóa, Sun Group đã có chiến lược đầu tư tổng thể, bài bản tại tỉnh này, dựa trên kinh nghiệm hơn một thập kỷ “khoác áo mới” cho nhiều vùng đất ở Việt Nam. Sự hiện diện của sếu đầu đàn trong ngành du lịch Việt Nam tại Thanh Hóa đã đánh dấu bằng sự kiện khởi công dự án Quảng trường biển và tổ hợp đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp biển Sầm Sơn trị giá hơn 1 tỷ USD vào cuối năm 2020.
Điểm nhấn của dự án này là các hạng mục quảng trường biển, trục đại lộ đẳng cấp với tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Theo đó, quảng trường biển Sầm Sơn có sức chứa lên đến hơn 10.000 người, trục đại lộ rộng 120m, dài 2,6 km, hứa hẹn sẽ trở thành trục đại lộ sầm uất với hệ thống dịch vụ du lịch đẳng cấp, về kiến trúccó thể sánh ngang với các đại lộ nổi danh thế giới như Broadway (Mỹ), Champs-Elysees (Pháp) hay Orchard Road (Singapore)… Tương lai, nơi đây sẽ là “trái tim” của đô thị biển - Nơi diễn ra những lễ hội, sự kiện, phát triển kinh tế đêm, tạo động lực cho sự bứt phá của du lịch Thanh Hóa. Thậm chí, chưa đợi đến khi công trình đẳng cấp này hoàn thành, Sầm Sơn đã liên tục sôi động với carnival mùa hè do Sun Group tổ chức hai năm 2019, 2020. Và mới đây nhất, Tập đoàn này cũng đã đồng hành cùng địa phương khai mạc Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn hoành tráng, dự kiến kéo dài hết mùa hè 2021 với nhiều hoạt động, sự kiện.
Phối cảnh tổ hợp dự án quảng trường biển và đại đô thị phức hợp tại Sầm Sơn do Sun Group phát triển. |
Cũng tại Sầm Sơn, Sun Group sẽ tiếp tục đầu tư tổ hợp vui chơi giải trí Sun World, khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng sông Đơ và chuỗi nhà phố thương mại, mini hotel, nhà ở cao cấp… Với tham vọng đưa Thanh Hóa thành “ngôi sao mới” trên bản đồ du lịch, Sun Group sẽ kiến tạo mô hình hệ sinh thái hội tụ đầy đủ các loại hình du lịch núi, biển, khoáng nóng,… trải rộng từ TP Sầm Sơn đến các huyện Quảng Xương, Như Thanh…
Ông Thi nhận định: “Sun Group là một tập đoàn lớn, có nhiều kinh nghiệm, có nhiều tiềm lực và khả năng đầu tư nhiều dự án lớn ở Việt Nam. Tại Thanh Hóa, với 3 dự án trọng điểm, sẽ biến Thanh Hóa trở thành tỉnh có du lịch quanh năm, du lịch cả 4 mùa”. Và tương tự như cách đã tạo nên cuộc “đổi đời” ngoạn mục cho du lịch Đà Nẵng, Sa Pa, Quảng Ninh, Phú Quốc, Tây Ninh,… Sun Group sẽ tiếp tục sứ mệnh “khai mở”, góp phần đưa Thanh Hóa - “Tọa độ vàng” tiếp theo lọt top các điểm đến hấp dẫn hàng đầu Việt Nam, từng bước vươn ra thế giới.
Phạm Trang