Tiếng chổi lặng lẽ trong phút giao thừa
Cả năm mới có được mấy ngày Tết, nên dù ai đi xa cũng đều cố gắng thu xếp để trở về bên mái ấm gia đình. Thế nhưng, trong những giờ phút ấy vẫn có những con người đang tất tả trên đường phố với tiếng chổi đêm.
Đối với những người công nhân vệ sinh môi trường, đón giao thừa ở nhà có lẽ là một chuyện quá xa xỉ. Năm nào cũng vậy, khi kim đồng hồ báo hiệu năm mới vừa sang, nhà nhà, người người cùng nhau nâng ly, cạn chén chúc nhau những lời chúc tốt đẹp, cũng là lúc các công nhân môi trường tay chổi, tay xẻng, lặng lẽ quét dọn trên các con đường, tuyến phố, dọn dẹp những "bãi chiến trường" người dân để lại.
Lặng lẽ trong đêm giao thừa những người công nhân môi trường miệt mài với công việc |
Miệt mài đưa những nhát chổi trên mặt đường, chị Tuyến chia sẻ: “Đã hơn 10 năm đón giao thừa ngoài đường rồi, nhiều lúc nghĩ cũng tủi thân lắm, giao thừa mọi người được về nhà, đón Tết cùng những người thân, còn mình thì cứ lầm lũi quét dọn hè phố. Ấy vậy, nói thì nói thế chứ nếu công nhân nào cũng muốn nghỉ để đón giao thừa thì đường phố sẽ ngập trong "biển rác".
Trong khi mọi nhà được bình yên trong tổ ấm, cùng nhau đón xuân bằng những cành đào đỏ thắm, cành mai vàng rực rỡ thì đâu đó ngoài kia, những dáng dấp nhỏ bé với chiếc áo màu xanh lục, màu vàng đang cần mẫn quét đi những bụi bẩn để sáng hôm sau, mọi người ra đường lại được hưởng sự trong lành, mát mẻ.
Một công nhân cặm cụi đưa từng nhát chổi trên đường Tôn Đức Thắng (Hà Nội) |
Những người lao công năm nào cũng đón xuân bằng những cơn gió lạnh, những cái rét thấu xương của đêm 30 Tết , không có đào, không có mai, chỉ có những lá úa, vỏ lon, giấy ni lông, rác bẩn, phế thải...
Vất vả là vậy nhưng có mấy người công nhân nào phàn nàn về công việc của mình. Họ chấp nhận như những điều tất yếu của cuộc sống. Lật từ từ chiếc khẩu trang cũ kĩ, để hở khuôn mặt sạm đen sương gió, chị Trần Thị Lý chia sẻ: "Thôi thì công việc nó thế, đành đón giao thừa ngoài đường vậy, chứ biết làm sao, cố gắng quét dọn cho mau xong, rồi lát nữa ra liên hoan cùng anh chị em công nhân môi trường trong tổ cũng vui rồi".
Không ở nhà cùng gia đình đón giây phút quan trọng nhất của năm, nhưng chị Vũ Thanh Huệ và chị Nguyễn Thị Hồng đã chuẩn bị từ chiều 30. Họ phải chuẩn bị mâm cỗ cúng trời đất, tổ tiên rồi “bàn giao” cho chồng con thắp hương. Đến sáng sớm các chị về đến nhà, lại tất bật lao vào cơm nước cho bữa cơm đầu năm mới.
Ít ai để ý rằng, những người lao công đã hy sinh hạnh phúc riêng tư để làm đẹp cho mùa xuân |
“Có những đồng nghiệp còn không dám trở về nhà sau giờ làm việc vào sáng mùng 1, ở phố còn đỡ, chứ nhiều chị nhà ở ngoại thành, các cụ còn kiêng kị và mê tín lắm. Do đó, xong việc mà các chị ấy vẫn cứ luẩn quẩn với nhau trò chuyện, đến khi trời sáng mới đạp xe về bởi lúc ấy đã có khách đến xông đất rồi”, chị Trà nói.
Những giọt mồ hôi thấm đẫm lưng áo xanh giữa trời đông giá rét của Hà Nội hay đêm ngột ngạt oi bức giữa chốn phồn hoa Sài Thành, đêm giao thừa trôi qua lặng lẽ. Trên bước đường trở về, tôi vẫn miên man những suy nghĩ về họ, những người làm đẹp mùa xuân.
Sương Lãng Vân