Tiêm vắc xin cho muỗi, nữ sinh trở thành quán quân FameLab
Hà My trình bày bài thuyết trình của mình. Ảnh do Hội đồng Anh cung cấp |
Với bài thuyết trình về việc tiêm vắc xin cho muỗi, thí sinh Phạm Hà My đến từ Đơn vị nghiên cứu lâm sàng, Đại học Oxford tại Việt Nam đã trở thành quán quân Việt Nam của FameLab 2017. Bài dự thi của Hà My đã thuyết phục ban giám khảo về nội dung và sự chính xác về khoa học cũng như khả năng trình bày dễ hiểu và cuốn hút.
Sắp tới, Hà My sẽ đại diện Việt Nam tới Anh tham gia FameLab Quốc tế tại Liên hoan Khoa học Cheltenham cùng các quán quân từ 30 quốc gia trên khắp các châu lục. Đồng thời, Hà My cũng sẽ được tham quan một phòng Lab tùy chọn ở châu Âu với sự tài trợ toàn phần từ tổ chức Euraxess.
Cuộc thi FameLab đưa các chủ đề khoa học quan trọng đến gần với công chúng và khơi gợi công chúng tìm hiểu về khoa học khi nội dung thuyết trình được giới hạn trong vòng 3 phút và đặt yêu cầu về tính chính xác về mặt khoa học song song với sự dễ hiểu và lôi cuốn dành cho khán giả.
Trong Đêm chung kết FameLab 2017, cuộc thi truyền thông khoa học duy nhất tại Việt Nam, 12 thí sinh là các nhà khoa học trẻ, giảng viên trẻ, bác sỹ, sinh viên từ nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ khác nhau ở nhiều tỉnh thành trên khắp Việt Nam như Thái Nguyên, Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ đã tranh tài và thể hiện niềm đam mê với khoa học và truyền thông khoa học. Hội đồng ban giám khảo gồm GS. TS. Mai Trọng Nhuận, Nhà báo TS. Tạ Bích Loan và PGS. TS. Lê Anh Vinh.
FameLab được khởi động từ năm 2005 tại Vương quốc Anh trong Liên hoan Khoa học Cheltenham Science Festival và đã trở thành mô hình thành công tiêu biểu để đào tạo và hướng dẫn các cá nhân, nhà khoa học, kỹ sư, giảng viên về cách thức kết nối với công chúng thông qua việc trình bày đề tài khoa học của họ. Người tham dự FameLab trình bày một chủ đề về khoa học, công nghệ và kỹ thuật để kết nối và hấp dẫn người nghe trong tối đa 3 phút.
Tới nay, Cheltenham Science Festival đã cộng tác với Hội đồng Anh để tổ chức cuộc thi FameLab tại hơn 30 quốc gia. Tại Mỹ, Hội đồng Anh hợp tác cùng Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) đồng tài trợ để tổ chức cuộc thi này dành cho nhà khoa học, người nghiên cứu và sinh viên trong lĩnh vực khoa học hành tinh.
Từ cuối tháng 1/2015, Hội đồng Anh đã hợp tác với Đại học Quốc gia Hà Nội để xây dựng kế hoạch tổ chức cuộc thi. Không chỉ giới hạn ở giảng viên, nhà nghiên cứu, giáo viên, cuộc thi hướng tới tất cả các cá nhân có đam mê khám phá và yêu thích khoa học.
12 thí sinh có bài trình bày ấn tượng nhất trong vòng tuyển chọn đã trải qua khóa đào tạo kỹ năng truyền thông khoa học với Tiến sỹ Emily Grossman, chuyên gia truyền thông lĩnh vực khoa học đến từ Vương quốc Anh.