Tiêm phòng sởi cho bà bầu từ khi nào?
Những nguy hiểm bị sởi khi mang thai
Khi nhiễm sởi, bà bầu có thể bị bội nhiễm do hệ miễn dịch suy giảm và từ đó dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm đường tiết niệu... Đặc biệt, viêm phổi kẽ hết sức nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến việc hô hấp của cơ thể người mẹ, gián tiếp ảnh hưởng đến thai nhi.
Khi mắc sởi bà bầu thường có dấu hiệu đó là sốt cao, điều này sẽ ảnh hưởng tới thai nhi. Trong buồng tử cung nhiệt độ luôn ở mức cao hơn cơ thể người mẹ từ 1-1,5 độ C.
Bệnh sởi sẽ ảnh hưởng tới thai nhỉ tùy thời điểm mà người mẹ nhiễm sởi:
- Trong ba tháng đầu bị sởi nguy cơ thai nhi dị dạng hoặc sẩy thai rất cao, sinh con nhẹ cân hoặc thậm chí dị tật.
- Trong ba tháng giữa nguy cơ dị dạng thai ít hơn, nhưng vẫn có thể gây thai lưu, sẩy thai.
- Ba tháng cuối nguy cơ gây dị dạng thai không cao nhưng có thể khiến mẹ bầu phải đẻ non hoặc thai lưu.
Tiêm phòng sởi cho bà bầu từ khi nào?
Khi lên kế hoạch có thai, bà bầu nên tiến hành các xét nghiệm để kiểm tra kháng thể các bệnh phổ biến như viêm gan B, sởi, rubella... Trường hợp không có kháng thể, bà bầu cần tiêm đầy đủ các mũi tiêm phòng theo lịch cụ thể.
Bà bầu cần tiêm một mũi vắc xin sởi - quai bị - rubella trước khi có thai ít nhất 1 tháng. Không tiêm loại vắc xin này khi mang thai.
Cần tiêm phòng sởi trước khi mang thai (ảnh minh họa) |
Phụ nữ đang cho con bú có thể tiêm vắc xin sởi?
Có thể tiêm phòng nhưng cần thận trọng và được cán bộ y tế khám, tư vấn, chỉ định theo từng loại vắc xin. Kháng thể được tạo ra bảo vệ mẹ và một phần nhỏ có thể bài tiết qua sữa, góp phần bảo vệ trẻ. Tuy nhiên, một phần lớn kháng thể dịch thể của mẹ được truyền cho con trong thời kỳ mang thai. Tiêm vắc xin sởi có thể phòng bệnh sởi cho mẹ, giảm nguy cơ mắc sởi cho trẻ và những người xung quanh.
Tiêm phòng sởi cho người lớn
Nếu chưa được tiêm phòng sởi hoặc chưa có kháng thể bệnh sởi, người lớn các lứa tuổi đều có thể tới các trung tâm tiêm chủng để tiêm phòng sởi. Việc tiêm phòng tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin sởi.