Thụy Điển thừa nhận không thể dừng dự án Dòng chảy phương Bắc 2
Dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 |
Đại sứ Thụy Điển tại Moscow, Peter Erikson cho biết, tuyên bố của các đảng phái chính trị Thụy Điển về dự định dừng dự án khí đốt của Nga –Dòng chảy phuơng Bắc 2 không ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án này, bởi chính quyền Thụy Điển đã cấp phép cho lắp đặt các đường ống dẫn khí và không thể thu hồi.
Đài phát thanh SR của Thụy Điển tuần trước đưa tin rằng Quốc hội Thụy Điển có những đánh giá chỉ trích dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2, dự án mà được chính phủ Thụy Điển tán thành, và muốn ngừng thực hiện việc xây dựng dự án.
Các Đảng phái của Thụy Điển cho rằng việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt này không đáp ứng dự định của Liên minh châu Âu (EU) nhằm tăng tỷ lệ năng lượng sạch tái tạo. Ngoài ra, theo đài phát thanh SR, các đảng phái Thụy Điển không muốn nhìn thấy các hoạt động của Liên bang Nga tại biên giới của Thụy Điển vì lý do an ninh.
“Giấy phép là điều khoản cần thiết cho việc thực hiện Dòng chảy phương Bắc 2, Thụy Điển đã cấp. Vì điều này không liên quan đối với vùng lãnh hải, thì không thể dừng dự án này. Vâng, tất cả các đảng phái chính trị ở Thụy Điển nói rằng dự án này không mang lại điều gì tốt, nhưng chúng tôi không thể làm gì chống lại dự án này", đại sứ Thụy Điển cho biết.
"Theo luật pháp quốc tế, chúng tôi chỉ có thể lên án dự án này vì nó có thể ảnh hưởng đến môi trường, nhưng yêu cầu để không xây dựng nó, chúng tôi không thể. Các công ty xây dựng dự án đã chứng minh cho chính quyền Thụy Điển rằng dự án không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh", ông Erickson cho biết.
Dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án xây dựng hai đường ống dẫn khí với tổng công suất lên đến 55 tỷ m3 khí/1 năm từ bờ biển của Nga qua biển Baltic đến Đức, bỏ qua Ukraine. Dự án này dự kiến sử dụng 86% đường ống của dự án Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) hiện tại trước khi rẽ nhánh.
Dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ đi qua các vùng lãnh thổ và đặc quyền kinh tế của các quốc gia nằm ngoài khơi bờ biển Baltic - Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức.
Nhiều quốc gia đã phản đối dự án này, trong đó có Ukraine do sợ mất nguồn thu từ việc trung chuyển khí đốt của Nga, cũng như nếu giảm khối lượng khí trung chuyển qua hệ thống vận chuyển khí đốt Ukraine (GTS) có thể dẫn đến hậu quả một số lượng lớn người tiêu dùng Ukraine không có khí đốt, và Mỹ với kế hoạch xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu đầy tham vọng.
Ba Lan, Latvia, Litva và các nước khác trong khu vực, vốn phụ thuộc vào khí đốt của Nga, đã phản đối mạnh mẽ dự án này. Theo lập luận của các nước này, dự án của Đức và Nga đi ngược lại với chính sách của châu Âu trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, cũng như đem đến "những tổn thất nghiêm trọng về địa chính trị cho châu Âu".
Tổng giá trị đầu tư xây dựng dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 là 9,5 tỷ euro.