Thương vụ S-400: NATO “ngả về” Thổ Nhĩ Kỳ, không kích động xung đột với Nga
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg |
Ông Jens Stoltenberg cho rằng quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ mua các hệ thống S-400 là một "quyết định quốc gia". Tờ Hurriyet của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời ông Stoltenberg phát biểu tại một viện nghiên cứu ở Washington: "Đó là một thử thách và điều mà ai cũng biết là có sự bất đồng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và đặc biệt là Mỹ về vấn đề này".
Ông lưu ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh rất quan trọng đối với NATO vì nhiều lý do, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc công nhận sự đóng góp của Ankara đối với các hoạt động của Mỹ và NATO trên phạm vi toàn thế giới.
Trong diễn biến liên quan, phát biểu tại Quỹ Heritage ở Washington, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết các nước NATO không có ý định kích động một cuộc xung đột với Nga, những hành động của liên minh chỉ là mang tính chất phòng thủ. NATO cần thiết lập mối quan hệ tốt hơn với Nga về các vấn đề kiểm soát vũ khí và đối thoại chính trị.
"Trả lời câu hỏi các nước Liên minh NATO có kích động một cuộc xung đột với Nga, Tổng thư ký NATO cho rằng, chúng tôi sẽ không có những hành động khiêu khích Nga. Hành động của Liên minh NATO chỉ mang tính chất phòng thủ tự nhiên, và gia tăng sự hiện diện bên sườn phía đông là một phản ứng tương ứng với các hành động của Liên bang Nga liên quan đến Ukraine và “âm mưu thâu tóm” bán đảo Crimea và bất ổn ở miền Đông Ukraine", ông Stoltenberg nói.
Hệ thống tên lửa phòng không S400 của Nga |
"NATO không tìm cách đối đầu với Nga, không muốn mâu thuẫn trở nên căng thẳng trong cách tiếp cận với Nga và mong muốn thông qua đối thoại, tìm cách giảm căng thẳng", Tổng thư ký NATO nói thêm. Theo ông, "tất cả sẽ là kẻ thua cuộc nếu chúng ta tiến tới một cuộc chiến tranh lạnh mới và một cuộc chạy đua vũ trang". Vì vậy, chúng ta phải làm hết sức để tìm ra sự cân bằng giữa sự chắc chắn và có thể đoán được, triển khai những nỗ lực phòng thủ đáng tin cậy, nhưng đồng thời cố gắng phát triển tốt hơn mối quan hệ với Nga, bao gồm kiểm soát vũ khí và đối thoại chính trị với Nga.
Hồi tháng 7 vừa qua, Thượng viện Mỹ đã thông qua một dự luật hạn chế thương vụ bán máy bay tiêm kích tàng hình F-35 do Mỹ chế tạo cho Thổ Nhĩ Kỳ do Ankara quyết định mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Phía Mỹ cho rằng thương vụ mua S-400 nói trên sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ lún sâu hơn vào tầm ảnh hưởng đang gia tăng của Moscow tại Trung Đông.