Thượng viện Mỹ tha bổng ông Trump
Kết quả trên đặt dấu chấm hết cho nỗ lực phế truất ông Trump khỏi Nhà Trắng trước thềm cuộc bầu cử tháng 11/2020.
Thượng viện Mỹ nhất trí tha bổng ông Trump |
Kết quả kiểm phiếu cuối cùng về tội danh đầu tiên (lạm dụng quyền lực) là tỷ lệ 52-48, với Mitt Romney (phe Cộng hòa bang Utah) vượt qua ranh giới đảng mình để cùng các thành viên Dân chủ bỏ phiếu "có tội". Cuộc bỏ phiếu về tội danh thứ 2 (cản trở Quốc hội) cho kết quả 53-47, với Romney trở lại chiến tuyến của đảng mình.
Theo quy định, cần tới 67 phiếu tại Thượng viện nhất trí kết tội mới hạ bệ được ông Trump.
"Donald John Trump, Tổng thống Mỹ, đã được tha bổng", Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ John Roberts thông báo sau các cuộc bỏ phiếu.
Tiến trình luận tội ông Trump bắt đầu vào tháng 9/2019, liên quan các cáo buộc ông tìm kiếm ảnh hưởng từ nước ngoài vào cuộc bầu cử 2020 bằng cách thúc ép Ukraina mở một vụ điều tra tham nhũng nhằm vào đối thủ chính trị.
Tuần trước, thông qua một cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 49-51, Thượng viện Mỹ đã từ chối đề nghị của đảng Dân chủ về việc triệu tập thêm nhân chứng ra điều trần. Các luật sư của Tổng thống cho rằng tất cả những lời khai và tài liệu liên quan nên được tạo ra trong quá trình tố tụng ở Hạ viện, vốn đã kết thúc vào ngày 18/12/2019 bằng một cuộc bỏ phiếu tán thành luận tội ông Trump.
Không có thành viên Cộng hòa nào ở Hạ viện ủng hộ các điều khoản luận tội nhằm vào Tổng thống. Cùng quan điểm với họ có hai thành viên Dân chủ bỏ phiếu phản đối điều khoản luận tội thứ nhất và ba người bỏ phiếu phản đối điều khoản luận tội số 2, trong khi một nhân vật khác là ứng viên tổng thống Tulsi Gabbard (thành viên Dân chủ bang Hawaii) bỏ phiếu trắng cho cả hai.
Dù phe Dân chủ quả quyết luận tội là cần thiết vì ông Trump là một "mối đe dọ rõ ràng và hiện hữu" đối với "nền dân chủ của chúng ta", Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi khi đó vẫn chờ thêm 4 tuần mới đưa vụ việc tới Thượng viện.
Tại Thượng viện, các thành viên Dân chủ cho rằng cần phải triệu tập thêm nhân chứng để thiết lập tình huống chính xác của quyết định mà Tổng thống Trump đưa ra nhằm giữ lại viện trợ quân sự cho Ukraina để, theo họ, gây áp lực cho chính quyền Kiev mở điều tra một đối thủ chính trị của ông trong cuộc bầu cử năm 2020.
Ảnh: Reuters |
Đơn kiện Tổng thống Trump bắt nguồn từ một "người thổi còi" giấu tên thuộc cộng đồng tình báo. Người này tiết lộ cho Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff (thành viên Dân chủ bang California) về cuộc gọi giữa chủ nhân Nhà Trắng và lãnh đạo Ukraina Volodymyr Zelensky hồi tháng 7/2019. Schiff và nhóm của ông cho rằng việc ông Trump giữ lại viện trợ là nhằm gây sức ép để Ukraina mở cuộc điều tra tham nhũng nhằm vào Burisma, công ty khí đốt thuê dùng con trai của phó Tổng thống Joe Biden năm 2014.
Joe Biden hiện là một trong các ứng viên sáng giá trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020, và phe Dân chủ cho rằng điều này chính là sự can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ tháng 11 tới. Mô tả đây chính là lạm dụng quyền lực, các thành viên Dân chủ còn cáo buộc Trump "cản trở Quốc hội" vì sử dụng quyền ưu tiên hành pháp và từ chối cho phép một số quan chức Nhà Trắng ra điều trần trong tiến trình tố tụng.
Các luật sư của Tổng thống Trump lập luận rằng trát đòi của ông Schiff không có giá trị cho đến khi Hạ viện bỏ phiếu cho phép tiến hành luận tội vào ngày 31/10. Họ cũng khẳng định hành động của Trump hoàn toàn phù hợp với thẩm quyền hiến định của ông, và cuộc điều tra nhằm vào Burisma không tạo ra sự can thiệp của Ukraina vào bầu cử Mỹ.
Quyết định của Thượng viện Mỹ tha bổng cho ông Trump được đưa ra sau khi vị tổng tư lệnh Mỹ có bài phát biểu Thông điệp Liên bang đầy ấn tượng, trong đó ông đặc biệt nhấn mạnh những thành tựu và cam kết mà mình đã thực hiện như từng hứa lúc tranh cử.
Donald Trump là tổng thống thứ 3 của Mỹ bị luận tội ở Hạ viện, sau Andrew Johnson năm 1868 và Bill Clinton năm 1999. Ở cả ba trường hợp, luận tội đều dừng ở Thượng viện, cho phép Tổng thống tiếp tục tại vị.