Thượng đỉnh Trump – Kim lần thứ hai ở Hà Nội: Cơ hội giúp Việt Nam tỏa sáng
Tổng thống Mỹ Donald Trump chính là người thông báo về việc cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ diễn ra vào ngày 27 – 28/2 tại thủ đô Hà Nội.
Theo nhận định của giới chuyên gia, Việt Nam được chọn là địa điểm tổ chức thượng đỉnh Trump – Kim lần thứ hai xuất phát từ thực tế, Việt Nam là quốc gia có mối quan hệ tốt đẹp với cả Mỹ và Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore hồi tháng 6/2018. |
Trong đoạn chia sẻ trên Twitter mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng cũng đã nhấn mạnh Việt Nam hoan nghênh hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều và “ủng hộ mạnh mẽ” cuộc đối thoại về nền hòa bình, an ninh và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
“Việt Nam luôn sẵn sàng đóng góp tích cực và hợp tác với các bên liên quan để đảm bảo thành công của hội nghị”, ABC News dẫn chia sẻ trên Twitter của bà Lê Thị Thu Hằng.
Sau thời kỳ chiến tranh, Việt Nam và Mỹ chính thức bình thường quan hệ ngoại giao vào năm 1995. Kể từ đây, mối quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước không ngừng tăng trưởng. Từ năm 1995 – 2016, quan hệ thương mại song phương Việt – Mỹ đã tăng từ 451 triệu USD lên gần 52 tỷ USD, theo số liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp Việt – Mỹ còn được thể hiện qua những chuyến thăm cấp cao của nhà lãnh đạo hai nước. Cụ thể, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng tới thăm Việt Nam vào năm 2016 và Tổng thống Trump tới Việt Nam để tham dự một hội nghị quốc tế vào năm 2017. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã tới thăm Nhà Trắng vào năm 2017.
Trong khi đó, mối quan hệ giữa Việt Nam và Triều Tiên được duy trì kể từ năm 1950.
Trở thành địa điểm tổ chức cuộc họp thượng đỉnh Trump – Kim lần thứ hai chính là cơ hội để Việt Nam thể hiện với bạn bè quốc tế về những thành công trong công cuộc phát triển kinh tế và ưu thế địa chính trị của quốc gia.
Không chỉ có mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ và Triều Tiên, Việt Nam còn được biết tới là đối tác của Nga, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác. Việt Nam cũng từng là chủ nhà đăng cai tổ chức nhiều sự kiện quốc tế cấp cao như Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Hà Nội vào tháng 9/2018 và Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương ở Đà Nẵng vào năm 2017 với sự tham gia của nhiều nhà lãnh đạo thế giới như Tổng thống Mỹ Trump.
“Ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là đảm bảo công tác hậu cần và an ninh diễn ra trơn tru trong suốt hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim lần thứ hai”, ông Carlyle Thayer, một chuyên gia về lĩnh vực chính trị ở Đông Nam Á chia sẻ với ABC News qua email.
Chia sẻ với Bloomberg hồi tháng trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, nếu Việt Nam được chọn làm địa điểm tổ chức hội nghị Trump – Kim lần thứ hai, Việt Nam sẽ “cố gắng hết sức để tổ chức hội nghị”.
Không chỉ trong lĩnh vực ngoại giao, bài học thành công phát triển kinh tế của Việt Nam còn được xem là hình mẫu đối với Triều Tiên.
Hồi tháng 7/2018 tại Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nhắc tới câu chuyện phát triển kinh tế thành công của Việt Nam có thể là hình mẫu để nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un noi theo.
“Trước sự thịnh vượng và mối quan hệ đối tác tưởng chừng như không tưởng mà chúng tôi có với Việt Nam ngày hôm nay, tôi có một thông điệp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un: Tổng thống Trump tin rằng nước ngài có thể tái tạo lại con đường này (của Việt Nam). Nó sẽ là của ngài nếu ngài nắm lấy cơ hội này. Phép màu này có thể là của ngài; nó cũng có thể là phép màu của ngài ở Triều Tiên”, bài phát biểu của Ngoại trưởng Pompeo được đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹviết.
Theo chuyên gia Thayer, lý do giúp Việt Nam được lựa chọn làm địa điểm tổ chức thượng đỉnh Trump – Kim lần thứ hai là do vị trí đi lại thuận lợi, tiện nghi đẳng cấp 5 sao và kinh nghiệm tổ chức nhiều hội nghị quốc tế cấp cao.
Cũng theo ông Thayer, khoảng cách giữa Bình Nhưỡng và Hà Nội hoàn toàn lý tưởng để nhà lãnh đạo Kim Jong-un sử dụng chuyên cơ riêng "Chammae-1" bay thẳng tới Việt Nam.
Cụ thể, khoảng cách từ Bình Nhưỡng tới Hà Nội là khoảng 2.760 km và chỉ hơn một nửa quãng đường từ Bình Nhưỡng tới Singapore (4.700 km). Do đó, dù "Chammae-1" đã già cỗi nhưng với quãng đường 2.760 km, chiếc máy bay cá nhân của ông Kim vẫn đủ sức thực hiện hành trình.
Giống như Singapore, đại sứ quán Triều Tiên được đặt ở Hà Nội nên tiện cho việc hỗ trợ hậu cần và hành chính đối với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Ngoài ra, theo ông Thayer, địa điểm tổ chức thượng đỉnh Trump – Kim diễn ra ở Hà Nội cũng sẽ là cơ hội để nhà lãnh đạo Triều Tiên tiến hành chuyến thăm cấp quốc gia và gặp gỡ các nhà lãnh đạo Việt Nam.
Chuyên gia Thayer nhấn mạnh thêm, ông Kim thường tránh đi ra nước ngoài vì lo ngại vấn đề an ninh. Do đó, “việc nhà lãnh đạo Triều Tiên đồng ý tới Hà Nội là vì muốn thực hiện chuyến thăm cấp quốc gia tới Việt Nam”.