Thực hư viên giải rượu 'bùa hộ mệnh' cho ma men
Ngày Tết, nhiều người tìm tới các loại viên giải rượu, viên chống say rượu để uống thoải mái mà không lo say, không lo mệt sau cuộc nhậu nhưng thực tế thuốc này chỉ làm hại cơ thể thêm.
Bùa hộ mệnh để uống thoải mái
Anh Nguyễn Hữu M. 34 tuổi, Hà Đông, Hà Nội khoe mọi Tết anh chỉ uống 2 ly rượu là tìm chỗ ngủ vì mệt, cảm giác say nhưng tới năm nay anh M. đã thủ sẵn vài cái kẹo giải rượu nên uống tới 10 ly rượu vẫn không thấy xi nhê gì.
Bản thân anh M. uống rượu rất kém nên vào dịp Tết đi đâu mời rượu anh cũng phải nhăn nhó nhận lấy rồi biện đủ lý do không uống được. Không biết uống rượu cũng là thiệt thòi đôi khi còn bị chê bai khiến anh cũng thấy mặc cảm. Anh M. quyết tâm nâng tửu lượng của mình lên và năm nay anh được bà xã mua cho cả túi kẹo là viên chống say và cũng thấy có tác dụng.
Nhưng trường hợp của N.V.N 29 tuổi, Hưng Yên được đưa đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê sâu, thở máy, nhiễm toan chuyển hóa, suy thận, tiêu cơ vân nặng do ngộ độc rượu. Trước đó bệnh nhân này uống rượu với bạn bè liên miên không ăn uống gì. Mỗi lần uống rượu N. thường tự thưởng cho mình mấy viên chống say rượu. Thực tế, viên thuốc không có tác dụng còn khiến bệnh nhân ngộ độc rượu cấp phải vào viện.
Các chuyên gia tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, gần đây tình trạng lạm dụng các loại thuốc giải rượu đang có xu hướng gia tăng. Không ít người dù đã uống thuốc giải rượu song vẫn phải vào viện cấp cứu vì ngộ độc rượu. Thậm chí, những bệnh nhân đã uống thuốc giải rượu thường nhập viện trong tình trạng nặng hơn, bởi tâm lý “dùng thuốc giải rượu rồi thì có thể uống vô tư”.
Theo Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế tại Việt Nam chưa có một sản phẩm dược phẩm nào được cấp phép lưu hành có công dụng giải rượu thần tốc hay “thổi bay” nồng độ cồn. Hiện chỉ có một số thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ chuyển hóa, làm tăng việc đào thải qua gan, giảm hấp thu rượu chứ không thể làm hết nồng độ cồn trong máu cũng như hơi thở.
Viên kẹo quảng cáo chống say rượu. |
Thực chất viên chống say rượu
Theo PGS Nguyễn Hữu Đức – nguyên Giảng viên trường Đại học Y Dược TP.HCM, nếu sử dụng các thuốc giải rượu đang được quảng cáo trên thị trường hiện nay có thể tạo thành “cú đúp” khiến lá gan vốn đang mệt mỏi vì bia rượu ngộ độc thêm thuốc.
PGS Đức cho biết có rất nhiều báo cáo từ các trung tâm chống độc trên toàn quốc về số ca bệnh nhập viện do sử dụng thuốc giải rượu sau khi uống say mềm. Không riêng gì trường hợp của anh N. mà thực tế có rất nhiều.
Với các viên giải rượu thần tốc uống vào say bí tỷ chỉ cần 10 nghìn đồng là tỉnh như sáo là hoàn toàn không đúng. PGS Đức nhấn mạnh đây chỉ là quảng cáo.
Thực chất, PGS Đức cho rằng các viên thuốc giải rượu là thực phẩm chức năng không phải là thuốc và chưa có nghiên cứu về khả năng giải rượu của nó như thế nào. Đa phần các thuốc này đều có các thành phần vitamin B1, B6, PP, axít glutamic, axít fumaric, axít succinic…, hoặc chứa chất giúp chuyển hóa là metadoxin.
Các viên giải rượu trên chỉ có tác dụng hỗ trợ một phần trong quá trình chuyển hóa rượu, chứ chưa có tài liệu khoa học nào chứng minh tác dụng bảo vệ hoặc phục hồi cơ quan dễ bị rượu làm tổn hại là gan hoặc triệt tiêu tác dụng của rượu trên hệ thần kinh trung ương để làm mất đi trạng thái say xỉn.
Nếu người dân cứ vô tư uống rượu rồi thấy say ngà ngà liền dùng thuốc để hóa giải cơn say thì sẽ rất nguy hiểm, vì lúc uống rượu gan và hệ thần kinh đã chịu tổn thương và thêm viên thuốc gan lại càng thêm gánh nặng. Có thể gây suy gan, tổn thương gan thậm chí ngộ độc phải cấp cứu.
Ngoài ra, các thuốc quảng cáo chống say rượu cũng nguy hiểm không kém thuốc giải rượu. Một số thành phần thuốc chống say có paracetamol để giảm các triệu chứng đau đầu khi uống rượu nhưng uống vào có thể gây ngộ độc cả paracetamol lẫn ngộ độc rượu.
PGS Đức khuyến cáo tốt nhất không uống rượu. Ngày Tết nếu phải uống rượu bia vì giao tiếp, uống để chúc mừng xuân mới nên uống vừa phải, biết điểm dừng. Không nên biến rượu, bia thành bạn hàng ngày. Khi say nên nghỉ ngơi. Có thể uống một số nước dân gian hay dùng để giải độc như: nước chanh, nước sắn dây, nước nấu đậu xanh nấu chín rồi nghiền nát sẽ giúp giải rượu nhanh hơn.
Khánh Chi