Thực hư Nga can thiệp vào cuộc biểu tình Áo vàng ở Pháp?
Theo tổ chức Liên minh Bảo vệ Dân chủ, khoảng 600 tài khoản Twitter mang tư tưởng ủng hộ quan điểm của Kremlin đang ngày càng tỏ ra quan tâm tới những diễn biến từ cuộc biểu tình ở Pháp và thường dùng hashtag #giletsjaunes, tên tiếng Pháp của cuộc biểu tình Áo vàng.
Người biểu tình phản đối tăng giá nhiên liệu ở thủ đô Paris, Pháp. |
Trong bài phỏng vấn hôm 9/12, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian nhấn mạnh tới việc các cơ quan an ninh Pháp cũng đang tiến hành điều tra.
Trong những năm gần đây, Nga liên tiếp bị cáo buộc sử dụng mạng xã hội để can thiệp vào các cuộc bầu cử Mỹ và châu Âu. Thậm chí, một số nguồn tin còn cho rằng những nỗ lực dùng tin giả và tấn công mạng từ phía Nga nhằm gây ảnh hưởng tới chiến dịch bầu cử của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào năm 2017 cũng đã bị ngăn chặn.
“Một cuộc điều tra đang được tiến hành. Tôi sẽ không đưa ra bất cứ lời bình luận nào cho tới có kết quả điều tra”, Bloomberg dẫn lời ông Le Drian.
Theo ông Bret Schafer, nhà phân tích của tổ chức Liên minh Bảo vệ Dân chủ đặt trụ sở ở Washington, trước đây, các tài khoản Twitter được tổ chức này theo dõi thường bình luận về thông tin của Mỹ và Anh. Song trong ít nhất 1 tuần qua, những thông tin liên quan tới cuộc biểu tình ở Pháp lại “thường đứng đầu hoặc gần đầu tiên” trong hoạt động của các tài khoản Twitter này.
“Hành động này là tín hiệu cho thấy nhiều độc giả ở ngoài lãnh thổ Pháp ngày càng quan tâm tới cuộc biểu tình Áo vàng”, ông Schafer nói.
Liên minh Bảo vệ Dân chủ là tổ chức thuộc Quỹ German Marshall của Mỹ chuyên theo dõi các hoạt động ủng hộ điện Kremlin.
Cũng theo ông Schafer, phần lớn thông tin mà các tài khoản Twitter có tư tưởng ủng hộ điện Kremlin sử dụng để nói về cuộc biểu tình Áo vàng ở Pháp được lấy từ những hãng tin Nga như Sputnik và RT. Đây là những kênh thông tin của Nga theo dõi sát sao hoạt động biểu tình chống chính phủ ở Pháp. Thậm chí, 12 phóng viên của hãng tin RT đã bị thương khi đưa tin về cuộc biểu tình ở Pháp. Đây là số phóng viên hiện trường bị thương nhiều nhất so với các hãng tin khác khi cùng đưa tin bạo động.
Trong những ngày gần đây, Sputnik và RT cho hay phần lớn cảnh sát Pháp không còn ủng hộ Tổng thống Macron mà thay vào đó quay sang sát cánh với người biểu tình.
Một đoạn video được RT đăng tải cho thấy cảnh sát ở quận Pau, miền tây nam nước Pháp đã cởi bỏ mũ bảo hiểm trong quá trình làm nhiệm vụ. Đây được xem là hành động thể hiện sự đồng lòng với người biểu tình.