Thực hư công hiệu của “thần dược” gừng gió

Thời gian gần đây, trên địa bàn xã Đắk Ơ (Bù Gia Mập) người dân xôn xao về phương thuốc “thần dược” có thể chữa được bách bệnh như: Xơ gan cổ trướng, mất ngủ, đau khớp, phì đại tuyến tiền liệt, men gan cao, các loại bướu, khối u…
“Thần dược” là một loại cây mọc dại mà người dân thường gọi là gừng gió. Với lời đồn có thể chữa bách bệnh, nhiều người đã không quản đường sá xa xôi sang tỉnh Tây Ninh xin củ gừng gió về trị bệnh.

Đổ xô đi Tây Ninh xin "thần dược"

Trong một chuyến công tác, chúng tôi tình cờ gặp chị Nguyễn Thị Phương Nga, cán bộ y tế thôn Đắk Lim, xã Đắk Ơ (Bù Gia Mập) và được biết chuyện người dân đổ xô thuê xe qua tỉnh Tây Ninh xin thuốc về chữa bệnh. Chị Nga cho biết: Trước đó, trong xã cũng có nhiều người qua Tây Ninh xin thuốc về uống, nhưng chưa rầm rộ. Bốn tháng trở lại đây, tin đồn người này uống khỏi bệnh, người kia uống khỏe, ăn được, ngủ được nên người dân đua nhau qua lấy.

Thực hư công hiệu của “thần dược” gừng gió - ảnh 1
Sau khi ghi lại tên, địa chỉ và căn bệnh của người bệnh, vợ thầy Tám (phía sau) chia thuốc cho từng người đem về uống

Cha con anh Nguyễn Văn Liêm, cháu Nguyễn Thị Thu Phương đều bị bệnh thận. Khi nghe loại thuốc này có thể chữa khỏi nên cha con anh đăng ký với nhà xe một suất qua Tây Ninh. Anh Liêm cho biết: Nghe tin thầy Tám chữa được tất cả các bệnh, nhất là những bệnh y học bó tay, nên cha con tôi tìm đến thầy xin thuốc. Tôi phải liên hệ xe nhiều ngày trước, hôm nay mới được sắp xếp đi.

Thầy Tám là người chưa từng qua một trường lớp y dược nào, cũng không phải người bốc thuốc gia truyền. Đến với thầy Tám, tất cả các bệnh từ đau lưng, đau khớp, mất ngủ, bệnh thận mãn tính cho đến các bệnh ung thư đều dùng chung một bài thuốc, chỉ khác ở liều lượng dành cho người lớn và trẻ nhỏ. Mỗi bọc thuốc, thầy Tám bỏ nửa tờ giấy A4, trong đó ghi hướng dẫn cách sử dụng. Cụ thể, mỗi ngày lấy từ 50 đến 100g cả củ và rễ rửa sạch đất xong đập dập hoặc xắt lát mỏng. Lần 1, cho thuốc vào nồi cùng 4 chén nước, đun nhỏ lửa đến khi còn 1 chén, uống vào khoảng 10 giờ sáng. Lần 2, làm giống lần 1, nhưng uống vào lúc 4 giờ chiều. Lần 3, đổ nhiều nước vào nồi, nấu uống mỗi khi khát nước. Ngày hôm sau thay thuốc mới và thực hiện như chỉ dẫn trên.
Từ nhu cầu của người dân, trên địa bàn xã Đắk Ơ xuất hiện 6 chiếc xe (4 chỗ, 7 chỗ) chuyên chở người bệnh sang Tây Ninh xin thuốc. Anh Bình, chủ chiếc xe 7 chỗ cho biết: Muốn sang Tây Ninh lấy thuốc phải được sự đồng ý của thầy Tám. Nếu thầy bảo sang được thì các nhà xe mới chở người bệnh đi. Trung bình một tuần, tôi đi Tây Ninh 3 đến 4 chuyến. “Nhiều hôm người dân đi đông quá, phải thuê xe 30 chỗ ở thị xã Phước Long lên chở”, một chủ xe tên Chiến cho biết.

Lý giải tại sao người dân ồ ạt qua lấy thuốc, ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng thôn 6, xã Đắk Ơ, cho rằng: Vì người dân nghe nói thuốc có thể chữa được nhiều bệnh, bốc thuốc không mất tiền, người đi lấy thuốc chỉ tốn từ 300 đến 350 ngàn đồng tiền xe mỗi lần đi.

Chân dung lang y làm từ thiện

4 giờ sáng, từ thị xã Đồng Xoài chúng tôi theo xe đi Tây Ninh xin thuốc nhằm tìm hiểu thực hư cách trị bệnh và cho thuốc miễn phí của người vẫn thường được gọi là “thầy Tám”. Sau hơn 3 tiếng đồng hồ, chúng tôi có mặt tại nhà thầy Tám (số nhà 57, đường Âu Cơ, ấp Hiệp An, xã Hiệp Tân, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh). Xe vừa đến nơi, chủ nhà (vợ thầy Tám) ra mở cửa hỏi “xe Đắk Ơ qua à?”.

Theo đúng trình tự, mọi người đến lấy thuốc đều ngồi ngoài sân và lần lượt từng người lên khai bệnh. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên nhất là cách cho thuốc, xem bệnh của thầy Tám không giống một lang y hay thầy thuốc nào. Không một dụng cụ y tế, không bắt mạch, người bệnh chỉ cần đọc tên, địa chỉ và bệnh mình đang mang để thầy Tám ghi lại vào cuốn sổ và... cấp thuốc. Thầy Tám quy định: Người bệnh trực tiếp đến nhà xin thuốc thầy cho 3kg và được phép xin thêm 2 phần cho người ở nhà (mỗi phần 2kg). Trong mỗi phần thuốc thầy đều có hướng dẫn cách sử dụng.

“Để có thuốc cho bệnh nhân, tôi thành lập một tổ thuốc nam từ thiện gồm 30 người, chuyên vào rừng đào cây gừng gió. Đồng thời dùng 3 chiếc xe ôtô (7 chỗ và 12 chỗ) vận chuyển thuốc và người đi đào. Mọi chi phí từ xăng xe đến cơm nước cho người đào thuốc đều do gia đình tôi tự lo”, thầy Tám cho biết.

Thực hư công hiệu của “thần dược” gừng gió - ảnh 2
Mẫu cây gừng gió

Chia sẻ với chúng tôi “cái duyên” đến với nghề, thầy Tám cho biết thêm: Trước đây ông là một cán bộ nhà nước, khi nghỉ hưu, công việc cũng nhàn rỗi. Một lần ông tình cờ đọc được trên mạng bài báo nói về loại gừng gió với những công dụng đặc hiệu. Ông thấy loại cây này có nhiều trong rừng trên địa bàn tỉnh, nên đã đào về dùng thử và thấy có hiệu quả. Dần dần thấy người dân có nhu cầu, ông cũng cho họ uống, nhiều người thấy đỡ bệnh. Từ đó tiếng lành đồn xa, nhiều người dân từ nơi khác tìm đến lấy thuốc. Điều đặc biệt, ai đến xin thuốc ông cũng cho miễn phí. “Với tôi giúp người là niềm vui, mọi người bớt bệnh, khỏi bệnh là tôi mừng”, thầy Tám nói.

Có như lời đồn thổi?

Trở lại xã Đắk Ơ để ghi nhận tính hiệu quả của gừng gió, nhiều người dân ở đây cho rằng: Uống gừng gió giúp ăn được, ngủ được, người mập thì giảm ký, người ốm thì tăng lên; riêng bệnh ung thư thì không khỏi.

Chúng tôi tìm đến gia đình anh Trần Văn Dũng, thôn Đắk Lim. Vợ chồng anh đang uống thuốc sắc từ củ gừng gió. Anh Dũng cho biết: Nghe đồn gừng gió có thể chữa bệnh mất ngủ, đau khớp... nên tôi sang Tây Ninh xin thuốc về uống. Từ ngày uống đến nay bệnh đau nhức chân tay, mất ngủ có đỡ, tôi thấy ăn được, ngủ được. Tôi không dám khẳng định loại củ này có thể trị tận gốc căn bệnh, nhưng ít ra cũng đã có tác dụng trước mắt.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Giang - bà Vũ Thị Hòa, ở thôn 3, xã Đắk Ơ, bị bệnh khớp lâu năm, nên khi nghe người dân nói có thuốc chữa dứt bệnh, con gái bà cũng sang Tây Ninh xin thuốc về uống. Đến nay vợ chồng ông đã uống được gần 2 tháng. “Mẹ tôi bị bệnh khớp nên đi lại rất khó khăn. Từ ngày dùng thuốc này, bệnh đau khớp của bà đã thuyên giảm, giờ có thể đi lại, giúp con cái làm việc nhà”, con gái bà Hòa tâm sự.

Không chỉ những người đau khớp, mất ngủ đổ xô đi xin thuốc về uống, mà ngay cả những bệnh nhân mắc bệnh nặng, hoặc bệnh viện trả về cũng tìm đến xin loại thuốc này và tin đó như một biệt dược có thể “hóa phép nhiệm màu”. Ông Phạm Thế Hoàng ở thôn 6 bị bệnh teo bán cầu tiểu não và hẹp van 2 lá, chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh không thuyên giảm, tháng 5 vừa qua bệnh viện trả về. Khi nghe người dân nói uống nước từ củ gừng gió, bệnh gì cũng chữa được nên vợ ông lặn lội sang Tây Ninh xin thuốc. Ngày nào bà cũng sắc cho ông uống thay nước. Nhưng khi nói chuyện với chúng tôi, ông vẫn nói “uống gừng gió không khỏi được đâu, đừng tin vào những lời đồn thổi...”.

Trường hợp ông Hồ Văn Đẹp, ở thôn Đắk Lim, xã Đắk Ơ, bị ung thư gan giai đoạn cuối cũng sang Tây Ninh xin thuốc về uống. Uống thuốc được hơn 1 tháng mà bệnh vẫn không thuyên giảm. Hiện nay, những người uống thuốc từ củ gừng gió chưa đi bệnh viện khám, nên bệnh thuyên giảm hay không vẫn chưa thể khẳng định được. Và chưa có đề tài chính thức nghiên cứu về công dụng của cây gừng gió. Do đó người dân nên thận trọng khi sử dụng kẻo mang thêm bệnh.

Chưa xác định được tên gọi của "thần dược"

Theo Hội đông y tỉnh thì gừng gió là loại cây nằm ngoài danh mục 60 loài cây thuốc nam của Bộ Y tế, nên hội không biết được công dụng của cây thuốc này.

Thạc sĩ Trương Hữu Nhàn, Giám đốc Bệnh viện y học cổ truyền tỉnh cho biết: Gừng gió chỉ là cái tên người dân tự đặt, chúng tôi vẫn chưa khẳng định được đây có phải là củ gừng gió hay không. Do đó không xác định được công dụng của loại củ này như thế nào. Việc người dân đồn thổi loại củ này có thể chữa bách bệnh là không có cơ sở, nếu có thì cũng chỉ chữa được một số bệnh thông thường, bởi không có loài thuốc nào có thể chữa được bách bệnh.


Nguồn: Báo Bình Phước

Hơn 1.560 đoàn đã đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ban Tổ chức Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, tính đến tối 25/7, có 1.565 đoàn (với khoảng 55.600 lượt người) đã đến viếng, gửi vòng hoa, chia buồn cùng gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Người dân được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ 18h hôm nay

Ban Tổ chức sắp xếp để người dân vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ 18h hôm nay. Khi đến viếng, người dân mang theo thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử hoặc điện thoại di động cài đặt VNeID kích hoạt mức độ 2 để quét mã QR.

Những lời lay động trong sổ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chủ tịch nước Tô lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã ghi trong sổ tang những lời lay động, tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

TS. Nhà báo Nhị Lê: Tôi ấn tượng với sự tôn vinh 'Tổng Bí thư của Nhân dân'

Được đồng nghiệp gọi là “người học trò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản lần đầu tiên chia sẻ những kỷ niệm, những lý tưởng mà Tổng Bí thư đã tận hiến cả cuộc đời.

Nước mắt lăn dài trong lúc chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Trong dòng người xếp hàng chờ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Nhà tang lễ Quốc gia, ở quê nhà Đông Anh và tại điểm viếng TPHCM, có những đôi mắt đỏ hoe, những dòng lệ lăn dài thương tiếc, tưởng nhớ ông.

Bức tâm thư Phu nhân Tổng Bí thư Lào gửi Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Toàn văn bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào Naly Sisoulith gửi Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Ngô Thị Mận.

Cử tri nhớ cái bắt tay rất chặt, quyết chống tham nhũng đến cùng của Tổng Bí thư

Người dân nhớ những buổi tiếp xúc cử tri của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với những cái bắt tay rất chặt và sự chia sẻ tâm huyết về vấn đề người dân quan tâm như công tác cán bộ, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Những câu chuyện với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Tạp chí Cộng sản

Mười ba năm công tác ở Tạp chí Cộng sản, tôi có 9 năm làm việc dưới quyền Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, được ông chỉ bảo, uốn nắn nhiều điều, dù cũng chỉ học được ông rất ít.

Hình ảnh đáng quý thời học sinh của 'lớp trưởng Nguyễn Phú Trọng'

Trong phòng truyền thống của Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) vẫn còn đó những hình ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thời là học sinh.

Không dễ thuyết phục người dân bỏ điện thoại 'cục gạch'

Các thuê bao 2G sẽ không còn được cung cấp dịch vụ tại Việt Nam sau thời điểm 16/9. Tuy vậy, việc thuyết phục người dùng di động từ bỏ điện thoại cục gạch không dễ dàng.

Đang cập nhật dữ liệu !