Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn: Vì một thập niên tăng trưởng xanh và bền vững
Bối cảnh mới đòi hỏi mọi Chính phủ, mọi nền kinh tế không ngừng vận động, đổi mới để bắt kịp tốc độ thay đổi. Trong vòng quay đó, chỉ có duy nhất một hình thái phát triển được chấp nhận toàn cầu, đó là phát triển bền vững.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF 2020), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VBCSD-VCCI) phối hợp với Ủy ban Tăng trưởng xanh của Eurocham (GGSC) tổ chức Hội thảo chuyên đề “Thúc đẩy Kinh tế tuần hoàn: Vì một thập niên tăng trưởng xanh và bền vững”.
Hội thảo diễn ra ngày 24/09 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI, Đồng Chủ tịch VBCSD chia sẻ: “Thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn là một trong những ưu tiên trọng tâm trong phương hướng hoạt động của VBCSD-VCCI. Việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn sẽ giúp bảo vệ an ninh nguồn cung nguyên liệu, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, cũng như tạo ra các cơ hội việc làm mới.”
Thông qua Hội thảo, các diễn giả và đại biểu tham dự đã cùng cập nhật, thảo luận, lắng nghe về các chính sách liên quan đến kinh tế tuần hoàn (KTTH) tại Việt Nam. Những thông tin được diễn giả đưa ra là cơ sở tham khảo hữu ích cho các doanh nghiệp muốn chuyển đổi sang mô hình KTTH ưu việt.
Nằm trong các nỗ lực thúc đẩy triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, VBCSD-VCCI đã sớm đưa nội dung này vào chương trình thảo luận của diễn đàn về phát triển bền vững do VBCSD-VCCI tổ chức liên tục từ năm 2017, qua đó giúp nâng cao nhận thức và tăng cường sự trao đổi, chia sẻ của Chính phủ, các Bộ ban ngành, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp về KTTH.
Cùng với đó, VBCSD-VCCI cũng đang tích cực phối hợp với các Hội viên, các đối tác trong nước, quốc tế thực hiện các dự án/ sáng kiến như Sáng kiến Không xả thải vào thiên nhiên nhằm giảm thiểu chất thải nhựa và xây dựng mô hình kinh doanh bền vững theo định hướng KTTH; Sáng kiến Xây dựng Thị trường nguyên vật liệu thứ cấp; triển khai các nghiên cứu về sự sẵn sàng tham gia mô hình KTTH trong ngành giấy và nhựa; tập huấn cho doanh nghiệp và các cơ quan truyền thông về mô hình KTTH;
Theo ông Vũ Tiến Lộc, xã hội đang liên tục thay đổi, đòi hỏi mọi Chính phủ, mọi nền kinh tế, mọi doanh nghiệp cũng phải không ngừng vận động, đổi mới để bắt kịp tốc độ thay đổi. Trong vòng quay đó, chỉ có duy nhất một hình thái phát triển được chấp nhận toàn cầu, đó là phát triển bền vững. Để phát triển bền vững không thể thiếu sự đóng góp của doanh nghiệp. Và ngược lại, doanh nghiệp cần phát triển bền vững để đảm bảo cho tương lai của chính mình.
Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI cho rằng thách thức rõ ràng nhất là làm sao hàng trăm nghìn doanh nghiệp Việt có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng tầm lên để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng giá trị cao của các tập đoàn quốc tế, từ đó giúp nắm bắt và khai thác hiệu quả và triệt để nhất các FTA mà Việt Nam là thành viên.
“Có rất nhiều giải pháp cho câu hỏi đó, nhưng giải pháp cốt lõi nhất, quan trọng nhất chính là doanh nghiệp cần phát triển bền vững và để phát triển bền vững thì doanh nghiệp cần có một nền tảng quản trị chuyên nghiệp.” – ông Vũ Tiến Lộc nói.
VCCI, VBCSD đã cụ thể hóa nỗ lực thúc đẩy quản trị doanh nghiệp bền vững thông qua việc xây dựng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI). CSI là một công cụ quản trị doanh nghiệp ưu việt, tập hợp các chỉ tiêu thiết yếu trong các lĩnh vực kinh tế- xã hội- môi trường mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần nắm bắt và thực hiện. Với đặc thù hơn 90% doanh nghiệp Việt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu nguồn lực thì CSI chính là “cánh tay phải” đắc lực cho các doanh nghiệp Việt có thể soi mình vào đó, tự đánh giá xem mình đang ở đâu, ưu điểm, yếu điểm trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình là gì, để có những điều chỉnh kịp thời.
Sau 5 năm kể từ lần đầu giới thiệu, đã có rất nhiều doanh nghiệp biết đến bộ chỉ số CSI, nghiên cứu và áp dụng CSI. Cùng với CSI, VCCI đã phối hợp với Deloitte Việt Nam xây dựng Cẩm nang Ứng phó, Phục hồi, Phát triển trong và sau khủng hoảng dành cho doanh nghiệp.
Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) là hoạt động thúc đẩy đối thoại thường niên quan trọng nhất của VBCSD-VCCI. Với chủ đề “Phát triển bền vững trong thập niên mới: Biến thách thức thành cơ hội”, VCSF 2020 tập trung thảo luận các nội dung trọng điểm về quản trị doanh nghiệp bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường mô hình hợp tác công – tư.
Đây không chỉ là những bài học đúc rút từ đại dịch Covid-19 mà hơn hết chính là những vấn đề then chốt cần được giải quyết nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội bao trùm và bền vững trong thập niên 2021-2030. Các kiến nghị từ các hội thảo chuyên đề sẽ đóng góp đầu vào quan trọng cho Phiên toàn thể của Diễn đàn – dự kiến được tổ chức vào ngày 02/11 tới đây, đồng thời sẽ được tập hợp và báo cáo lên Chính phủ.
Nguyễn Tuân