Thực chất chuyến sang Nhật Bản, cầu thủ Công Phượng làm gì?
Trong trận HAGL thảm bại 0 – 3 trước Hà Nội FC chiều 18/1 trong khuôn khổ vòng 3 V-League 2017, tiền đạo Công Phượng - người được trông đợi không chỉ ở CLB mà còn ở đội tuyển U22 Việt Nam tham dự SEA Games sắp tới, lại tiếp tục "mất hút" như trong 2 trận thua SHB Đà Nẵng và Hải Phòng trước đó.
Đĩa DVD "Nguyễn Công Phượng đi du lịch tại Ibaraki" (Ảnh chụp lại từ màn hình) |
Đây không phải điều bất thường mà là sự nối tiếp màn trình diễn đầy thất vọng của cầu thủ này trong màu áo đội tuyển quốc gia Việt Nam ở AFF Cup 2016 sau một mùa bóng gần như bị CLB Mito Hollyhock cho “ngồi chơi xơi nước” xem đồng đội thi đấu tại giải J.League 2 của Nhật Bản.
Qua xứ Phù tang suốt một mùa bóng 2016 nhưng hầu như không thi đấu vì số lần được ra sân chỉ tính bằng phút, vậy thì Công Phượng làm gì?
Tham gia chuyến famtrip tại Nhật Bản tuần vừa rồi, PV Infonet “phát hiện” suốt thời gian xuất ngoại gọi là để đá bóng đó, cầu thủ này lại... đóng phim quảng cáo là chính!
Cụ thể là khi đến thăm Ibaraki, mỗi thành viên trong đoàn famtrip được tặng một đĩa DVD “Nguyễn Công Phượng đi du lịch tại Ibaraki” (thuyết minh bằng tiếng Việt), thời lượng gần 20 phút quảng bá cho du lịch của tỉnh này với những lời giới thiệu: “Nguyễn Công Phượng đã gặp gỡ và khám phá nhiều điều hấp dẫn tại Ibaraki”; “Anh đã khám phá phong cảnh hùng vĩ, tuyệt đẹp của Ibaraki”, “Anh đã gặp gỡ và trải nghiệm để được thăng hoa tại Ibaraki”.
Tháng Tư, Công Phượng quay phim quảng cáo Công viên quốc gia ven biển ở Hitachi (Ảnh chụp lại từ màn hình) |
Theo đó, Công Phượng đã có tháng Ba với hoa mơ tại Công viên Kairakuen; tháng Tư với hoa tulip, hoa nemophila ở Công viên quốc gia ven biển ở Hitachi, hoa đỗ quyên ở Công viên Kasama, hoa anh đào Yaezakura ở Công viên Shizuminefurusato; tháng Mười đi ngắm lá Kokia ở Công viên ven biển Hitachi...
Công Phượng cũng đến thăm nhà cổ Nhật Bản ở Công viên Kahin, đi chợ cá Nakaminato, chợ nông sản Hitachi Omiya, đi hái táo, hái dâu, hái dưa gang lưới tại các trang trại, mặc áo Kimono tuốt kiếm Nhật, thưởng thức trà đạo, tham quan thác nước Fukuroda, đền thờ Kashima, thủy cung Aqua World Oarai, tượng Phật bằng đồng lớn nhất thế giới ở Ushiku, hồ senba, Cổng trời Kamiiso Torii ở đền thờ Oarai Isosaki...
Bên cạnh đó, Công Phượng dành thời gian để “khám phá vô số mỹ thực tại Ibaraki” như sushi băng chuyền tại cửa hàng thủy hải sản Morita, thịt bò Hitachi tại khách sạn Mito Plaza, món Ibara – kiss tại các trang trại dâu tây, món mì Hitachi akisoba của Công ty CP tinh bột gạo Isemata, bánh thạch Youkan vị trà xanh của Công ty CP bánh kẹo Kamejirushi, đậu hủ và yuba tại quán Shizukaan; mua sắm tại Trung tâm Ami Premium Outlets
Đĩa DVD quảng cáo du lịch Ibaraki cho hay, Công Phượng đã "khám phá vô số mũ thực" tại tỉnh này (Ảnh chụp lại từ màn hình) |
Đáng nói là cầu thủ bóng đá mới tầm 20 tuổi này cũng quảng cáo cho rượu sake, rượu mơ của hai Công ty sản xuất rượu Beshunkan và Minh Lợi – Meiri. “Rượu sake của Ibaraki có mùi thơm nồng nàn, rất dễ uống. Công Phượng cũng đã nêm thử và rất thích mùi vị của rượu này” – lời giới thiệu trong đĩa DVD cho hay. Tiếp đó là quảng cáo cho rượu vang của xưởng Chateau Kamiya với cảnh Công Phượng cùng bạn bè nâng cốc hô: “Hai, ba, Dzô!” đầy mạnh mẽ.
Có thể thấy, thời gian mà Công Phượng dành để làm nhân vật chính cho clip quảng cáo nêu trên là không hề nhỏ, nhất là trong điều kiện anh chỉ là một “diễn viên nghiệp dư” trong khi các tiêu chuẩn về phim quảng bá du lịch của Nhật Bản thì rất cao. Lời giới thiệu trong đĩa DVD: “Anh đã trải qua những mùa thật đẹp tại Ibaraki” cũng phần nào cho thấy Công Phượng đã dành không chỉ những ngày, những tháng mà là “những mùa” trong năm 2016 cho clip quảng cáo này.
Phim quảng cáo này cũng hoàn toàn phù hợp với việc tại cuộc họp báo hồi tháng 7/2016 trước khi diễn ra vòng 26 J.League 2, HLV Takayuki Nishigaya của CLB Mito Hollyhock cho biết, CLB này kết hợp cùng nhà tài trợ tổ chức tour du lịch cho các cổ động viện Việt Nam sang Ibaraki tham quan và xem Công Phượng thi đấu (từ 30/7 đến 3/8) để góp phần quảng bá hình ảnh của địa phương, kích cầu cho ngành du lịch của tỉnh.
Công Phượng quảng bá cho rượu mơ, rượu sake củahai Công ty sản xuất rượu Beshunkan và Minh Lợi – Meiri (Ảnh chụp lại từ màn hình) |
Còn nhớ, ngay sau V-League 2015 kết thúc, CLB HAGL đã vội vã bắt tay vào việc xuất khẩu 3 cầu thủ trẻ tài năng là Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường ra nước ngoài. Trong đó, Tuấn Anh cùng Công Phượng sang Nhật để khoác áo Yokohama và Mito Hollyhock ở J-League 2 còn Xuân Trường sang Hàn Quốc khoác áo Incheon United.
Tham vọng của ông bầu Đoàn Nguyên Đức là để các “gà cưng” của mình tích luỹ kinh nghiệm, trao dồi kỹ năng và học hỏi được những điều hay từ những nền bóng đá phát triển bậc nhất châu Á. Và tất nhiên, điều mà HAGL mong muốn nhất khi đưa các cầu thủ của mình ra nước ngoài chơi bóng là họ được ra sân thường xuyên, thay vì mài đũng quần trên băng ghế dự bị hoặc thậm chí còn không được đăng ký trong danh sách thi đấu.
Tuy nhiên, nếu Xuân Trường ít nhiều được thi đấu và có đóng góp nhất định cho Incheon United thì Công Phượng lẫn Tuấn Anh đều “mất hút” tại hai CLB của Nhật Bản. Những kỳ vọng lớn lao dần nhường chỗ cho thất vọng, có nguy cơ khiến hai cầu thủ này bị thui chột. Một năm ngồi dự bị, không được chơi bóng là địa ngục với bất cứ cầu thủ bóng đá nào, khiến niềm tin của họ vào khả năng của chính mình ngày càng lung lay, đe doạ làm thui chột tài năng chính họ.
và cùng bạn bè nâng cốc quảng bá cho rượu vang Chateau Kamiya (Ảnh chụp lại từ màn hình) |
Trường hợp Công Phượng chính là như thế. Theo báo Thể thao & Văn hóa, tại buổi họp báo của CLB Mito Hollyhock hồi tháng 7/2016 trước khi diễn ra vòng 26 J.League 2, Công Phượng từng chia sẻ: "Tôi không phải là người có kỹ thuật tồi. Thể lực của tôi đang dần dần tốt hơn nhưng vẫn chưa thể so với các cầu Nhật Bản hiện tại được”.
Tất nhiên, Công Phượng có quyền tham gia đóng phim quảng cáo, nhưng cầu thủ này cần ý thức được rằng mình chỉ mới "ra ràng", còn rất xa mới sánh được với các đàn anh Hồng Sơn, Huỳnh Đức... Với thực tế của bản thân như chính mình thừa nhận, lẽ ra cầu thủ này cần tập trung thời gian rèn luyện nâng cao trình độ kỹ thuật, thể lực cũng như sự tự tin để hướng tới việc được CLB Mito Hollyhock cho thi đấu nhiều hơn, được ra sân trong đội hình thức chính thay vì hầu như chỉ có vài lần vào sân từ băng ghế dự bị ở những phút cuối trận.
Nhưng, cầu thủ của HAGL này lại dành nhiều thời gian đóng phim quảng cáo cho du lịch tỉnh Ibaraki. Để rồi không chỉ hầu như không được thi đấu tại Nhật Bản mà khi trở về nước, Công Phượng cũng chỉ còn là cái bóng của chính mình cả trong màu áo CLB lẫn đội tuyển quốc gia.
Đĩa DVD cho biết Công Phượng không chỉ trải qua những ngày, những tháng mà là "những mùa" để đóng phim quảng cáo cho du lịch tỉnh Ibaraki (Ảnh chụp lại từ màn hình) |
Đóng phim quảng cáo là do Công Phượng muốn, hay do áp lực của CLB Mito Hollyhock vì họ ký hợp đồng đưa cầu thủ này sang Nhật Bản là vì mục đích thương mại nhằm vào thị trường Việt Nam, chứ không phải để thi đấu? Liệu bầu Đức và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam có biết việc này hay không?
Hay là đúng như tên gọi của clip quảng cáo, chuyến đi Nhật của Công Phượng suốt mùa bóng 2016 chỉ là một “chuyến đi du lịch”, còn thực chất tài năng của cầu thủ này thì như cựu HLV đội tuyển quốc gia Việt Nam - ông Miura phát biểu mới đây trên tờ Times Sports: "Từ khi còn hợp tác với bóng đá Việt Nam, tôi vẫn chỉ đánh giá Công Phượng là một cầu thủ bình thường. Nhưng chẳng hiểu sao khi ấy, rất nhiều người yêu cầu tôi triệu tập cậu ta vào ĐT Việt Nam"?