Thú vị… tour “tham quan vườn rau”
Các em học sinh đang thực hiện các hoạt động tái chế |
Dã ngoại ở vườn rau
Nằm ở phường Cự Khối, quận Long Biên, chỉ chưa đầy 30 phút đi xe từ trung tâm TP là du khách đã có thể đặt chân đến vườn Tuệ Viên. Khu đất rộng hơn 2,2 ha này được sử dụng để trồng rau, củ, quả theo hình thức canh tác hữu cơ. Đây là hình thức canh tác mới, còn xa lạ với nhiều người tiêu dùng nên tour tham quan vườn rau được thiết kế với mục đích giúp người tiêu dùng hiểu được nguồn gốc và giá trị của rau, củ, quả hữu cơ sau khi đã có những trải nghiệm thực tế.
Chủ nhật cuối tuần, trong tiết trời thu dịu mát, nhiều gia đình có con nhỏ đã lựa chọn vườn Tuệ Viên làm nơi thư giãn sau một tuần làm việc và học tập căng thẳng. Trong khi các ông bố, bà mẹ lúi húi thực hành cách thức canh tác hữu cơ thì các em nhỏ cũng có đủ việc để làm, từ hái ổi, nhổ cải hay thỏa sức chạy nhảy, vận động trong không gian thoáng đãng và rợp bóng cây xanh. Chị Hà Hương Liên ở ngõ 559 phố Kim Ngưu cho biết, những ngày đầu, chị phải mang theo hai cô con gái sang vườn rau vì không có ai trông con nhưng sang đây một lần, các con của chị rất hứng thú nên cứ rảnh rỗi, cuối tuần là cả nhà chị lại ghé qua chơi. Thoát khỏi cái ồn ào, náo nhiệt của phố thị, một ngày ở vườn rau là thời gian mà gia đình chị được trải nghiệm sống xanh, vừa được gần gũi với thiên nhiên vừa học cách trồng rau sạch và nhiều hoạt động khác…
Cùng với vườn Tuệ Viên, vườn rau hữu cơ tại xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn; vườn rau Trác Văn ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam… thời gian gần đây cũng đón rất nhiều đoàn khách đến tham quan vườn rau. Ông Trần Mạnh Chiến – phụ trách thương hiệu Rau Bác Tôm cho biết, sự tham gia hào hứng của người tiêu dùng với tour du lịch đặc biệt này khiến ông khá bất ngờ. Mỗi lần tổ chức, tour vườn rau của đơn vị ông Chiến đều có từ 40 – 50 người tham dự. Nhiều gia đình, cả ông bà, bố mẹ và các cháu cùng tham gia trải nghiệm. Một ngày ở đồng ruộng, cả gia đình sẽ được chứng kiến nhà nông trồng rau, bắt sâu – một trong những hoạt động đặc thù của loại hình canh tác nông nghiệp hữu cơ, không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học và các chất kích thích. Ngoài ra, du khách được tự mình hái rau để cùng chế biến các món ăn thuần việt từ nguyên liệu sạch, phục vụ bữa trưa tại nhà nông.
Chị Lê Hồng Anh ở phố Phạm Đình Hổ gọi tour tham quan vườn rau của mình “lễ hội trẩy rau” – nơi chị cùng các con được trải nghiệm công việc nhà nông hết sức mới mẻ. “Được nghe, được xem quá trình canh tác, được học những kinh nghiệm trồng rau sạch, sử dụng thiên địch tự nhiên để phòng trừ sâu bệnh, cách phân biệt rau thường và rau hữu cơ, tôi đã có thêm nhiều kiến thức quý báu để tự trồng một vườn rau sạch nho nhỏ tại nhà”.
Tiết học ngoại khóa sinh động
Đều đặn hàng tuần, các nhà vườn trồng rau hữu cơ đều đón các đoàn khách đến tham vườn rau. Hơn thế nữa, vượt ra ngoài mục đích ban đầu là kết nối giữa nhà nông và người tiêu dùng để tìm hiểu cách thức canh tác hữu cơ, một số trường học trên địa bàn TP đã tổ chức đưa học sinh đi dã ngoại tại các vườn rau để các bé được học và thực hành trực tiếp trên đồng ruộng.
Thay vì những kiến thức sinh học khô khan trên sách vở, các em học sinh đã được học ngay trên vườn rau. Hòa mình và trải nghiệm trong thiên nhiên nên giờ học ngoại khóa đặc biệt này khá phong phú các hoạt động và được phân chia theo lứa tuổi. Trong khi các em học sinh lớp lớn được tham gia trồng cây, các bạn nhỏ hơn được xếp vào nhóm thu hoạch, phân biệt các loại rau củ quả và tự làm sổ tay thực vật dựa trên sự sáng tạo của riêng mình. Một nhóm khác thì được hướng dẫn cách thức pha chế thuốc trừ muỗi từ các nguyên liệu thiên nhiên như hoa cúc vạn thọ, tỏi, nước vi sinh. Sau hơn 1 giờ đồng hồ miệt mài thực hành, một học sinh lớp 4 đã hào hứng khoe thành quả của mình với chúng tôi. Em gọi đó là lọ nước thần kỳ và hồ hởi nói, “đơn giản thế này thì em sẽ làm thường xuyên cho gia đình, bố mẹ tiết kiệm được khoản tiền mua thuốc diệt muỗi mà không độc hại”.
Cũng gần gũi với hoạt động thí nghiệm là hoạt động tái chế. Từ những nguyên liệu tưởng như bỏ đi như vỏ chai nhựa, các em học sinh được hướng dẫn làm lọ cắm bút bằng cách cắt dán, trang trí. Mỗi em một ý tưởng riêng, những chiếc lọ - vốn là đồ phế thải đã trở thành những dụng cụ học tập quen thuộc. “Từ chương trình tham quan đồng ruộng dành cho người tiêu dùng, quan sát những hoạt động của các em nhỏ đi theo bố mẹ đến thăm ruộng, chúng tôi đã triển khai thành giờ học ngoại khóa cho học sinh. Những giờ học từ thực tế như thế này các con “thấm” rất lâu và mang lại hiệu quả cao, hiểu hơn về sự tôn trọng sinh vật xung quanh mình, hiểu tầm quan trọng của cây xanh và thực hành các hoạt động thí nghiệm, tái chế hữu ích” – một tình nguyện viên cho biết.
Thu Hằng/Báo Phụ nữ Thủ đô