Thú vị “phố” hớt tóc ở Long Xuyên
Với nhiều người, góc phố này tạo nên cảm giác rất đặc biệt, nhắc nhớ đến hình ảnh của một Long Xuyên ngày trước.
Nép mình dưới những tàng cây xanh mát, “phố” hớt tóc khoác lên mình vẻ xưa cũ đặc trưng của thời điểm vài chục năm trước. Trên đoạn đường dài, có trên chục “tiệm” hớt tóc của những tay thợ lành nghề. Mỗi người một góc nhỏ và “đồ nghề” khá đơn giản: Một chiếc bàn gỗ kê sát vào tường, một chiếc gương dựng đứng, phía trước bày biện dụng cụ hớt tóc, vài ba chiếc ghế một bằng gỗ để khách ngồi đợi lượt. “Tiệm” hớt tóc không có mái che, chỉ độc một chiếc dù là đủ cho những ngày nắng lẫn ngày mưa.
Góc phố bình dân này đã từng là điểm đến quen thuộc của các đấng mày râu khi những tiệm hớt tóc máy lạnh chưa hình thành. Ông Huỳnh Tấn Phát, thợ hớt tóc kỳ cựu, nhớ lại: “Tôi ngồi vỉa hè này hớt tóc đã gần 25 năm. Thời kỳ đầu, công việc hớt tóc cũng mang lại thu nhập kha khá. Mỗi ngày hớt tóc gần 20 khách, tính ra thu nhập thời điểm đó đủ lo cho cuộc sống gia đình. Nhiều khi khách đến hớt tóc khá đông, buộc phải ngồi chờ”. Cũng nhờ vỉa hè này mà gia đình ông Phát có được cuộc sống ổn định ngần ấy năm qua.
Những người thợ hớt tóc nơi đây đều rất lành nghề. Họ sẽ đáp ứng theo ý thích của khách và cũng có thể tham khảo những kiểu tóc phù hợp với khuôn mặt của mỗi người. Điểm đặc biệt còn nằm ở dụng cụ hớt tóc: Hầu như người thợ nào cũng thích sử dụng tông-đơ tay. Theo ông Phát, những chiếc tông-đơ điện hiện nay không thể thay thế tông-đơ tay dù nó có thể giúp người thợ thực hiện công việc nhanh hơn. “Hớt tông-đơ điện rất khó điều chỉnh tốc độ, nếu lỡ hớt sai kiểu cũng rất khó sửa lại. Vì thế, tôi chuộng tông-đơ tay vì dễ hớt ra kiểu tóc đẹp” - ông Phát thật tình.
Trải nghiệm cảm giác làm khách hàng của “phố” hớt tóc cũng khá thú vị. Ngồi lên chiếc ghế xoay, lắng nghe âm thanh lạch cạch của chiếc tông-đơ tay lướt qua trên tóc mình, tôi cảm thấy rất lạ. Cũng khá lâu rồi mới có dịp ngồi hớt tóc vỉa hè như thế này để cảm nhận những âm thanh của cuộc sống dội vào tai mình. Tiếng xe chạy, tiếng rao hàng, tiếng nói chuyện lai rai của ông Phát hòa lẫn vào nhau tạo nên cảm giác đặc biệt. “Khách đến đây chủ yếu là những mối quen, thỉnh thoảng mới có vài người lạ. Đa phần họ cho biết là không thích cảm giác hớt tóc máy lạnh nên ra đây, vừa mát lại vừa rẻ hơn đôi chút. Hơn nữa, dường như họ hớt đâu thì quen đó nên cũng thường xuyên quay lại ủng hộ mình” - ông Phát bộc bạch.
Ông Sơn, người dân phường Mỹ Long (TP. Long Xuyên), thật tình: “Tôi đã quen đến đây hớt tóc hơn chục năm nay. Ở đây tuy bày biện đơn sơ nhưng thợ khéo tay lắm. Một số tiệm do các anh thợ trẻ hiện nay đứng ra hớt không hợp “gu” thẩm mỹ của tôi. Hơn nữa, đến đây ngồi hớt tóc cũng là dịp gặp gỡ, trao đổi với các ông thợ ở đây. Tôi không chỉ là khách hàng, mà còn là “bạn già” với họ”.
Những người thợ hớt tóc cho biết, giới trẻ hiện nay chỉ thích đến những tiệm hớt tóc máy lạnh do hợp “gu” và cũng khá sang trọng. Vì thế, khách đến “phố” hớt tóc thủ công vắng hơn ngày trước. Tuy nhiên, đa số họ vẫn gắn bó với nghề dù cuộc sống khó khăn. “Phố” hớt tóc vì thế lặng lẽ tồn tại trên góc đường quen thuộc. Những người thợ nơi đây vẫn miệt mài với cuộc mưu sinh. Chính họ góp phần lưu giữ lại nếp sống bình dân, giản dị của người dân Long Xuyên thuở xưa.
THANH TIẾN/An Giang Online