Thủ tướng: Xuất siêu gần 10 tỷ USD, một con số trước đây không hình dung nổi
Ngày 27/12, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành Công Thương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tạihội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành Công Thương (ảnh: TTXVN). |
Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch 2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trước bối cảnh giảm sút trong tổng cầu của kinh tế thế giới, hoạt động thương mại và đầu tư thế giới suy giảm, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2019 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan.
Kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân khoảng 43 tỷ USD/tháng, quy mô xuất nhập khẩu tăng trưởng ở mức cao, vượt mốc 500 tỷ USD.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 ước đạt 516,96 tỷ USD, tăng 7,6% so với năm 2018.
Năm 2019 có 32 mặt hàng (trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD), chiếm tỷ trọng 92,86% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, dần có chỗ đứng ở các thị trường có yêu cầu cao về chất như EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc...
Cán cân thương mại năm 2019 ghi nhận mức xuất siêu kỷ lục 9,94 tỷ USD.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả đạt được của ngành Công Thương.
“Phi công bất phú, phi thương bất hoạt. Công nghiệp, dịch vụ chiếm 80% GDP của nước ta. Trong bối cảnh toàn cầu tụt dốc, các nước lớn không tăng trưởng cao, thì thành quả toàn diện 2019 nhìn nhận khách quan có sự đóng góp to lớn, trực tiếp của toàn ngành Công Thương Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho biết, năm nay, kinh tế Việt Nam vẫn phát triển toàn diện: “GDP trên 7% là con số chắc chắn chúng ta nhận được. Tăng trưởng kinh tế 3 năm liên tiếp, nhất là 2 năm sau này đều trên 7%, thuộc nhóm cao của khu vực và thế giới, thành tích này có sự đóng góp của ngành Công Thương”.
“Công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10%, thương mại tăng 11,9% tất cả đều vượt chỉ tiêu kế hoạch. Tổng quy mô ngoại thương của nền kinh tế trên 516 tỷ USD, mức kỷ lục chưa từng có. Trong đó riêng xuất khẩu chiếm hơn một nửa, trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 thế giới với 224 tỷ USD, tốc độ tăng 4 lần bình quân thế giới. Đặc biệt cán cân thương mại đạt thặng dư kỷ lục, xấp xỉ 10 tỷ USD, một con số mà chục năm trước đây chúng ta không hình dung nổi bởi trước đây chúng ta nhập siêu suốt”, Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, nhiều FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia đã cho thấy chủ trương đúng đắn, hội nhập là chìa khóa thúc đẩy cải cách và tăng trưởng kinh tế. Các FTA đã tác động trực tiếp đến xuất khẩu của Việt Nam, thu hút các nguồn lực đầu tư.
Sức cầu trong nước, bán lẻ dịch vụ tăng gần 12% so với 2018, gia tăng tầng lớp trung lưu ở Việt Nam. Các ngành công nghiệp nền tảng như hóa chất, dầu khí… đã đóng góp lớn với sự tăng trưởng kinh tế; Dệt may, da giày của Việt Nam đứng thứ 3 của thế giới, với mục tiêu đạt 100 tỷ USD đến 2030.
Biểu dương, đánh giá cao những kết quả đạt được trong năm 2019, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương xây dựng chiến lược phát triển, quy hoạch các ngành công nghiệp cho 10 năm tới. Quy hoạch ngành là rất quan trọng, không vì quy hoạch mà làm ảnh hưởng đến phát triển.
Ngành Công Thương cả nước cần nâng cao năng lực quản lý từ trung ương đến địa phương. Nâng cao năng suất nội ngành, phát triển ngành công nghiệp giảm phụ thuộc lợi thế không bền vững của tài nguyên như dầu thô, dầu mỏ, thay vào đó phát triển công nghiệp chế biến, dựa trên nền tảng sáng tạo, lấy khoa học công nghệ làm động lực. Ngành Công Thương cần quán triệt sâu sát, chủ động hơn, đi tắt đón đầu, coi cách mạnh 4.0 là cơ hội, khát vọng của dân tộc.
Bộ Công Thương phải coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời cần tái cơ cấu mạnh mẽ ngành công nghiệp, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển công nghiệp mũi nhọn có giá trị gia tăng cao.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương làm tốt công tác thị trường, xây dựng thương hiệu hàng hóa lành mạnh, không để mất thị trường bán lẻ; dẹp bỏ hàng gian, hàng giả, xử lý nghiêm buôn lậu, gian lận thương mại.
Năm 2020, Thủ tướng giao Bộ Công Thương phải đạt chỉ tiêu tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo 12%; chỉ tiêu xuất khẩu chạm mốc 300 tỷ USD và tăng trưởng thị trường bán lẻ đạt con số khoảng 12%.
Để đạt các mục tiêu này, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo bộ cần bám sát sản xuất và thị trường, tháo gỡ vướng mắc xuất nhập khẩu. Triển khai đồng bộ các hiệp định thương mại tự do, phát triển thị trường tiềm năng.