Thủ tướng Singapore: “Châu Á yên hay sóng gió là do Trung, Mỹ, Nhật"
Theo hãng tin AFP, phát biểu tại Hội nghị quốc tế “Tương lai châu Á” lần thứ 20 do báo Nikkei tổ chức tại Tokyo, ông Lý nhấn mạnh rằng cách thức tương tác của 3 nước chủ chốt là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản sẽ định hình tương lai của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Lý cho rằng, cho tới năm 2034, Mỹ sẽ tiếp tục là siêu cường số một của thế giới, còn Nhật Bản vẫn sẽ là “một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới, với sức mạnh to lớn về khoa học và công nghệ" . Nhưng "sự thay đổi lớn nhất đối với châu Á trong 20 năm tới sẽ là sự tăng trưởng và ảnh hưởng của Trung Quốc".
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. |
Kịch bản 1: Một châu Á hòa bình, cùng chia sẻ lợi ích
Theo ông Lý, bối cảnh chiến lược mới ở châu Á sẽ phụ thuộc vào sự tương tác của Mỹ, Nhật và Trung Quốc. Nếu mối quan hệ Mỹ - Trung được tăng cường và nền kinh kinh tế Nhật Bản phục hồi, châu Á sẽ hòa bình và ổn định.
Ông nói: "Một kịch bản có thể xảy ra là châu Á vẫn hòa bình, hợp tác cùng có lợi, cạnh tranh một cách hòa bình. Một môi trường chiến lược ổn định sẽ giúp nuôi dưỡng các mối quan hệ kinh tế trong khu vực. Sự hỗ trợ lẫn nhau lớn hơn về kinh tế sẽ nâng cao mức sống cho tất cả mọi người, và đóng góp vào nền hòa bình của khu vực”.
Trong kịch bản này, các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ có thể " tăng cường hợp tác và hội nhập".
Kịch bản 2: Một châu Á chia rẽ và bè phái
Tuy nhiên, nếu sự tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc dẫn đến mất cân bằng trong khu vực và trong trục Mỹ - Trung, Châu Á sẽ phải chịu một viễn cảnh khác, một viễn cảnh không tốt đẹp, với những căng thẳng và tranh chấp. Ông Lý đã dẫn ví dụ về những sự cố gần đây ở Biển Đông, biển Hoa Đông.
Trong kịch bản này, các quốc gia ASEAN sẽ buộc phải lựa chọn giữa các bên, và Đông Nam Á trở thành "chiến trường” của các siêu cường.
Ông nói: “Môi trường chiến lược như vậy chắc chắn sẽ cản trở hội nhập kinh tế. Sẽ có nhiều hơn các tranh chấp thương mại, các cuộc chiến tiền tệ. Kết quả là thành công của một nước sẽ ít được chia sẻ cho các nước khác, nhiều va chạm và tranh chấp hơn”.
"Tất cả đều bị mất mát nếu kịch bản này xảy ra”.
Ông Lý cho rằng, quan hệ Mỹ- Trung, mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới", cũng là mối quan hệ dễ dàng bị vượt ra ngoài tầm kiểm soát nếu một điểm nóng leo thang thành bạo lực.
Ngoài ra, theo ông, tình hình bất ổn trên bán đảo Triều Tiên cũng đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định tương lai của châu Á. Ông cho rằng dù không có chiến tranh, nhưng những thất bại trong việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ.
Ông Lý kết luận, 20 năm tới sẽ là một "cơ hội lịch sử " của châu Á .