Thủ tướng Nhật thăm Mỹ: Ông Abe được đón nồng nhiệt, bà Abe cô đơn ở Washington
Theo Channel News Asia, Thủ tướng Nhật Bản đã nhận được cái ôm nồng ấm từ lãnh đạo Hoa Kỳ khi ông tới thăm Washington để xây dựng một mối quan hệ cá nhân mới với vị Tổng thống hay thay đổi của nước Mỹ đồng thời xóa bỏ những mâu thuẫn giữa hai bên.
![]() |
Cái bắt tay nồng ấm của hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật. |
Sau buổi gặp mặt tại Phòng Bầu dục, trong khoảng thời gian chụp ảnh, được truyền thông Nhật Bản yêu cầu hai nhà lãnh đạo bắt tay, ông Trump đã cầm tay ông Abe, vỗ lên đó vài lần và giữ chặt trong 19 giây.
Ngay sau cú bắt tay dài, chỉ đợi ông Trump buông, trên mặt ông Abe thể hiện một thái độ thở phào nhẹ nhõm. Phát biểu với báo giới sau khi rời phòng gặp mặt, ông Trump chia sẻ: “Tay ông Abe rất khỏe”.
Thủ tướng Nhật đã dành lời khen tặng cho lãnh đạo Hoa Kỳ: “Donald, Ngài Tổng thống, ông là một doanh nhân xuất sắc. Số điểm chơi golf của tôi rõ ràng không phải là đối thủ của Donald”.
![]() |
Hai vợ chồng Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe tới Florida. |
Hai nhà lãnh đạo sau đó đã dùng bữa trưa tại Nhà Trắng trước khi lên chuyên cơ để tới khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của gia đình ông Trump tại bang Florida, dành một ngày hôm nay (11/2) để chơi golf.
Phu nhân Thủ tướng Nhật một mình ở Washington
Thông thường, vai trò của Đệ nhất phu nhân Nhà Trắng là đồng hành cùng các phu nhân lãnh đạo nước ngoài đi thăm thú Washington. Các phu nhân sẽ tới bảo tàng địa phương, các trường học, đài tưởng niệm hay những khu vườn. Đệ nhất phu nhân Mỹ sẽ đóng vai trò là người hướng dẫn tham quan, đồng thời đại diện cho chính phủ Mỹ, trở thành người chủ nhà hiếu khách. Tuy nhiên, bà Melania Trump dường như đang phá vỡ truyền thống này.
Trong hai lịch trình tại Washington hôm qua (10/2), một là tới Đại học Gallaudet và tham dự lễ hội Hoa Anh Đào tại Đại sứ quán Nhật Bản, Đệ nhất phu nhân Nhật Bản, bà Akie Abe, đã phải tham dự một mình mà không có bà Trump bên cạnh.
![]() |
Bà Abe một mình tham dự các sự kiện ở Washington DC. |
Trong khi đó, ông Abe lại tham dự một số hoạt động riêng: đặt hoa tại đài tưởng niệm chiến sĩ vô danh và tất nhiên không thể thiếu cuộc gặp gỡ với chủ nhân của Nhà Trắng, Donald Trump.
Phải đến chiều tối hôm qua (10/2), bà Melania Trump mới gặp mặt vợ chồng Tổng thống Nhật Bản và cùng họ bay tới Palm Beach, Florida trên Không lực Một. Tuy nhiên, việc bà Abe phải một mình tham dự các sự kiện ở thủ đô Washington DC là một trải nghiệm mà bà chưa từng phải trải qua trong các chuyến thăm Mỹ trước đây.
Năm 2015, bà Abe đã cùng cựu Đệ nhất phu nhân Michelle Obama tới thăm trường tiểu học Great Falls ở Virginia. Sau đó, các phu nhân cùng tới Nhà Trắng tham dự bữa tiệc tối để chào mừng ông Abe tới Washington.
Năm 2007, bà Laura Bush cũng cùng chồng là cựu Tổng thống George Bush chào đón vợ chồng ông Abe trong chuyến thăm Washington. Hai cặp đôi đã dùng trà tại nhà Blair và đi bộ tới Nhà Trắng để dùng bữa tối. Hai phu nhân cũng đã tới thăm núi Vernon và đi dạo trong khu vườn ở gần đó.
![]() |
Bà Obama đón bà Abe tại Washington năm 2015. |
![]() |
Bà Abe và bà Laura Bush năm 2007. |
Tuy nhiên, bà Abe đã không có may mắn như trên vào hôm qua, thay vì đi cùng Đệ nhất phu nhân Mỹ, bà lại được các nhân viên và cố vấn hộ tống.
Khi được hỏi về sự vắng mặt của bà Melania Trump, người phát ngôn Nhà Trắng giải thích: “Đệ nhất phu nhân rất mong muốn được chào đón bà Abe tới Nhà Trắng trong chuyến thăm ở Washington. Tuy nhiên, bà đã được thông báo rằng bà Abe đã có một số lịch hẹn trước đó. Vì vậy, bà Trump đã bay tới Căn cứ Không quân Andrews để gặp Tổng thống, Thủ tướng Nhật Bản và phu nhân, để có thể cùng họ bay tới Florida trên Không lực một. Họ sẽ cùng ở cuối tuần tại Mar-a-Lago và sẽ có một hành trình cùng với nhau. Bà Trump rất vui mừng chào đón Thủ tướng Nhật và phu nhân tới ngôi nhà mùa đông, một nơi rất đặc biệt đối với bà và toàn bộ gia đình Tổng thống Trump”.
Vào hôm nay, hai phu nhân có thể sẽ ở cùng với nhau trong khi hai nhà lãnh đạo chơi golf và bàn chuyện chính trị. Tuy nhiên, sự vắng mặt của bà Trump trong chuyến thăm của bà Abe tới Washington DC đánh dấu một điều mới so với truyền thống cũ và có thể đó sẽ trở thành “thương hiệu” của chính quyền mới.