Thủ tướng Merkel cảnh báo nguy cơ xung đột quân sự tại Balkan
Thủ tướng Đức A.Merkel |
Phát biểu tại Hội nghị của đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) ở thành phố Darmstadt, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cảnh báo nguy cơ xảy ra một cuộc chiến ở khu vực Balkan nếu các nước thành viên Liên minh châu Âu EU, đặc biệt là Đức đóng cửa biên giới với Áo để ngăn chặn dòng người tị nạn vào nước này.
Theo bà Merkel, việc đóng cửa biên giới sẽ dẫn đến tình trạng chia rẽ cũng như làm gia tăng căng thẳng ở châu Âu, đặc biệt là khu vực phía Tây Balkan. “Tôi không muốn sự kiện này sẽ dẫn đến những xung đột quân sự” bà Merkel nhấn mạnh.
Thủ tướng Merkel nói thêm rằng, Đức là quốc gia lớn nhất trong EU nên tìm một giải pháp nhằm tăng cường các mối quan hệ. "Tôi tin tưởng rằng chúng ta có thể đạt được nó".
Nhiều chính trị gia theo đường lối cứng rắn kêu gọi Thủ tướng Merkel xây dựng hàng rào biên giới giữa Đức với Áo để hạn chế dòng người tị nạn từ Áo đổ vào nước này.
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức không coi đây là ý tưởng tốt, bởi khu vực Balkan vốn đã rất nóng vì vấn đề người nhập cư. Thủ tướng Merkel nhắc lại hậu quả từ việc Hungary xây hàng rào để ngăn chặn người tị nạn từ Serbia vào nước này đã khiến tình trạng căng thẳng tại châu Âu thêm nghiêm trọng và bà không muốn điều đó tái diễn.
Trước đó, ngày 2/11, phát ngôn viên của Cao ủy LHQ về người tị nạn, Adrian Edwards cho biết, trong tháng Mười có khoảng 220.000 người tị nạn chạy đến châu Âu. Đây là một con số kỷ lục kể từ đầu năm 2015.
Ngày 28/10, Áo đã ủng hộ xây dựng một hàng rào dọc theo biên giới với Slovenia nhằm giảm bớt dòng người di cư vào châu Âu.
Ngày 17/6, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Siyyarto công bố kế hoạch xây dựng các hàng rào thép gai với chiều cao 4 mét và chiều dài 175 km dọc biên giới với Serbia để ngăn chặn dòng người nhập cư. Việc xây dựng này sẽ hoàn thành vào ngày 30/11 tới.
Cuộc khủng hoảng nhập cư bùng phát ở châu Âu trong vài tháng qua. Liên Hợp Quốc dự báo trong hai năm tới ít nhất có 850.000 người di cư tràn vào châu Âu.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin Lenta, trang chuyên đưa tin về tình hình kinh tế, chính trị, quân sự và các thông tin liên quan đến tình hình các nước trong không gian hậu Xô Viết.