Thủ tướng Medvedev cảnh báo khả năng cắt đứt quan hệ với Ukraine
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev |
Đề cập đến khả năng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine, Thủ tướng Nga Medvedev tuyên bố ông không muốn mối quan hệ ngoại giao với Ukraine bị cắt đứt, song "nếu không còn phương án nào khác để thay đổi tình hình hiện nay, Tổng thống Vladimir Putin có thể thông qua quyết định đó".
Tuyên bố trên của Thủ tướng Medvedev được đưa ra sau khi Ukraine đặt quân đội vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu ở khu vực dọc biên giới với bán đảo Crimea.
Thủ tướng Medvedev gọi các nỗ lực tổ chức các cuộc tấn công khủng bố ở Crimea là một tội ác chống lại nhà nước Nga và nhân dân Nga, và bày tỏ sự hối tiếc rằng hoạt động đó được nhà cầm quyền Kiev, trong đó, theo Thủ tướng, đang cố gắng đánh lạc hướng người dân của Ukraine về các vấn đề trong nước.
Trước đó, tờ báo "Izvestia – Tin tức" dẫn nguồn tin ngoại giao Nga cho biết Moscow đang xem xét phương án đáp trả âm mưu khủng bố tại bán đảo Crimea mà phía Nga cho rằng có sự liên quan của tình báo quân đội Ukraine, trong đó thảo luận khả năng cắt đứt hoàn toàn quan hệ ngoại giao với Kiev.
“Một trong những phương án đáp trả quyết liệt có thể là cắt đứt quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Moscow hiện đang xem xét phương án này. Tuy nhiên quyết định cuối cùng thuộc về Tổng thống Vladimir Putin. Ông Putin sẽ ra quyết định dựa vào thông tin thu thập được”, nguồn tin trên tiết lộ.
Cũng theo nguồn tin trên, để đáp trả hành động này của Kiev, Moscow đang xem xét khả năng đóng cửa Đại sứ quán của mình tại Kiev và triệu hồi tất cả các nhân viên ngoại giao về nước.
Cho đến nay, chính quyền Ukraine vẫn từ chối đề xuất của Nga đề cử ông Mikhail Babich, người từng giữ một chức vụ cấp cao trong Cơ quan An ninh Liên bang (FSB), thay thế Đại sứ Nga Mikhail Zurabov tại Ukraine.
Sau khi phía Ukraine từ chối đề xuất của Nga, phát ngôn viên Điện Kremlin - Dmitry Peskov tuyên bố Nga sẽ tiếp tục đề xuất ông Babich giữ chức Đại sứ tại Kiev và nếu phía Ukraine vẫn quyết định hạ thấp hơn nữa cấp độ quan hệ ngoại giao giữa hai bên thì đó là việc của họ.
Quan hệ ngoại giao giữa Nga và Ukraine trở nên căng thẳng kể từ năm 2014 khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga và Kiev cáo buộc Moscow liên quan tới cuộc xung đột ở miền Đông nước này. Quan hệ Nga –Ukraine nóng trở lại sau khi Cơ quan an ninh Nga đập tan âm mưu khủng bố nhằm vào Crimea, mà theo phía Nga âm mưu này lên quan đến Tình báo Quốc phòng Ukraine.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Ria Novosti,