Thủ tướng Hungary chỉ trích châu Âu cố gắng cô lập Nga
Thủ tướng Hungary Viktor Orban |
Ông Orban đề cập đến sự chia rẽ trong nội bộ châu Âu và cách thức xây dựng mối quan hệ với Nga: “Vết nứt này ở châu Âu đã quá sâu - một vết nứt mang tính chất chiến lược”.
Một ngày sau khi ký kết thỏa thuận kinh tế với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Orban cũng nói rằng Chủ tịch EC đang ở “phía bên kia” của đường chia cắt.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Donald Tusk đã có những chỉ trích mạnh mẽ trước thái độ của Nga về xung đột ở Ukraine, nhiều lần kêu gọi tăng cường các lệnh trừng phạt nhằm chống lại Nga và cũng nói rõ về việc phản đối nhân nhượng với Moscow.
Nhưng các nước thuộc liên minh châu Âu (EU) đã bị chia rẽ khi thể hiện quan điểm về Nga ở Brussels (Bỉ). Ông Orban đã chỉ rõ rằng các nước Baltic và Ba Lan đứng về phía Mỹ, tin rằng Nga nên dần bị loại khỏi hợp tác với châu Âu.
Mặt khác, theo ông, các nước Hungary, Séc, Slovakia, Áo lại cho rằng hợp tác với Moscow là một việc cần thiết. “Chúng tôi cho rằng không hợp tác với Nga, ta sẽ không thể đạt được các mục tiêu của mình”, Thủ tướng Hungary phát biểu khi nhắc đến nỗi lo về an ninh năng lượng mà các lệnh trừng phạt Nga của EU mang lại.
Nga cũng coi Hungary là đối tác chiến lược và sẽ theo đuổi các dự án năng lượng đôi bên cùng có lợi. Đó là thông điệp mà Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi đến người đồng cấp ở Hungary ngày 17/2, khi cả hai nước đã ký kết được một số thỏa thuận về năng lượng.
Chính sách đối ngoại của ông Orban về xung đột ở Ukraine đã nhận không ít chỉ trích từ phương Tây vì họ cho rằng các biện pháp đó quá mềm mỏng. Còn Thủ tướng Hungary cũng nhiều lần thể hiện sự phản đối phân biệt đối xử với Nga của Brussels.
Việc ông chỉ trích EU và vai trò của Mỹ trong chính sách đối ngoại châu Âu đã buộc Washington phải đưa ra các lệnh cấm nhập cảnh đối với nhiều doanh nhân Hungary.
Tháng 10/2014, Tùy viên Mỹ André Goodfriend đã đến thăm và cảnh báo Hungary nên “có lập trường cứng rắn cùng châu Âu, cũng như các lệnh trừng phạt của châu Âu”, và cho rằng đây không phải thời điểm để Hungary “công khai chỉ trích các đối tác EU về bước đi của họ”.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo hãng tin Russia Today (RT). RT hiện có khoảng 1.000 chuyên gia truyền thông trên toàn thế giới. RT chuyên nắm bắt những câu chuyện và vấn đề thường bị các phương tiện truyền thông bỏ qua để tạo ra những tin tức ở một khía cạnh rất khác biệt.