Thủ tướng Đức Merkel cáo buộc Nga khiến Hiệp ước INF sụp đổ
Tổng thống Nga Putin, Thủ tướng Đức Merkel |
Thủ tướng Angela Merkel nói: “Tôi rất tiếc vì Nga đã vi phạm Hiệp ước INF và do đó đã dẫn đến sự sụp đổ của Hiệp ước kiểm soát vũ khí này; khiến một phần hệ thống kiểm soát vũ khí ở châu Âu và trên thế giới đã mất.
Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức, cùng với các đối tác của mình trong NATO để kiểm soát vũ khí hơn nữa và chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề này trong những năm tới."
Theo bà Merkel, "NATO sẽ tìm được lời giải chung" liên quan đến việc chấm dứt Hiệp ước INF như Tổng thư ký Liên minh NATO Jens Stoltenbergnói trước đó. “Berlin là một phần của NATO, và Đức sẽ hành xử trong vấn đề này với tư cách là đối tác của NATO”, bà Merkel nhấn mạnh.
Trước đó, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)ngày 2/8 tuyên bố Nga là bên duy nhất phải chịu trách nhiệm cho việc "khai tử" Hiệp ước INF, khẳng định khối quân sự này sẽ đáp trả "một cách thận trọng và có trách nhiệm".
Tổng thống Mỹ Trump, Tổng thống Nga Putin |
Ngày 2/8, Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung và tầm ngắn (INF) sau khi xác định Nga vi phạm hiệp ước này. Song, Moscow bác bỏ điều này.
Đáp trả, Nga thông báo chính thức chấm dứt Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: "Ngày 2/8/2019, với sự khởi đầu từ phía Mỹ, hiệp ước giữa Liên Xô và Mỹ về việc loại bỏ tên lửa tầm ngắn và tầm trung... đã chấm dứt".
Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung và tầm ngắn (INF) được ký kết ngày 8/12/1987 giữa Tổng thống Mỹ khi đó Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev nhằm chấm dứt những căng thẳng thời Chiến tranh Lạnh và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988.
Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (có tầm bắn từ 500 - 5.500 km).
Hiệp ước INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. (ảnh tư liệu) |
Mỹ cáo buộc Nga đã vi phạm Hiệp ước INF, viện dẫn đây là lí do khiến Washington khai tử hiệp ước này. Theo Lầu Năm góc, Nga đã "sản xuất và bảo lưu khả năng tấn công" vốn bị cấm trong thỏa thuận có từ cách đây hơn 30 năm, do đó đe dọa Mỹ và các đồng minh.
Lời cáo buộc ám chỉ đến mẫu tên lửa SSC-8 (phía Nga gọi là 9M729) của Moscow. Trong khi Washington đánh giá SSC-8 có tầm bắn vượt quá giới hạn trong INF, Moscow quả quyết mẫu tên lửa này vẫn tuân thủ thỏa thuận và là phiên bản nâng cấp của một hệ thống tên lửa cũ hơn.
Ảnh minh họa (Nguồn RIA) |
Giờ đây, thỏa thuận duy nhất về kiểm soát vũ khí giữa Nga và Hoa Kỳ vẫn là Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (Hiệp ước START-3), được ký năm 2010. Hiệp ước này sẽ hết hạn vào tháng 2/2021, như tuyên bố của Cố vấn An ninh Quốc Mỹ John Bolton, chính quyền Hoa Kỳ dường như chưa đề cập đến việc gia hạn hiệp ước này.
Nga đã nhiều lần bày tỏ sẵn sàng thảo luận về vấn đề này. Tổng thống Trump cũng nói rằng cần phải xây dựng một thỏa thuận hạt nhân mới giữa Nga, Trung Quốc và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Bắc Kinh bác bỏ ý tưởng này.