Thu Sao kể chuyện làm dâu ở tuổi 68: 'Về đến nhà chồng là lao vào dọn dẹp'
Tái hôn ở tuổi 62
Sau khi chồng qua đời, chị Lê Thị Thu Sao (SN 1956, TP. Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) tái hôn cùng anh Triệu Hoa Cương (SN 1992, Cao Bằng). Năm đó, chị 62 tuổi, còn anh Cương 26 tuổi.
Vì chênh lệch tuổi tác quá lớn nên đám cưới của chị Sao và anh Cương gây xôn xao dư luận một thời. Nhiều người đồn đại chị dùng bùa ngải quyến rũ chàng trai trẻ. Mặc kệ miệng đời, vợ chồng chị Sao sống hạnh phúc suốt 6 năm qua.
Về phần mình, dù tái hôn khi ngoài 60 tuổi nhưng chị Sao vẫn xác định lấy chồng thì sẽ làm dâu. Bao nhiêu năm qua, chị chưa từng khiến chồng và nhà chồng phiền lòng.
Với chồng, chị là một người vợ dịu dàng, hiểu chuyện. Đối với bố mẹ chồng, chị tròn đạo dâu con, hiếu thuận và chu đáo.
Ban đầu, khoảng cách tuổi tác với chồng khiến chị Sao không tự tin và có chút lo lắng trong mỗi lần về quê chồng.
Chị Sao kể: “Nhà bố mẹ chồng cách nhà tôi khoảng 38km. Quãng đường không quá xa, cho nên chúng tôi thường xuyên về thăm.
Mỗi lần về nhà bố mẹ chồng, tôi thích bày vẽ nấu nướng các món ngon để mọi người quây quần ăn uống”.
4 năm đầu, chị Sao ăn Tết ở nhà mình, chỉ về nhà chồng sau mùng 3. Tuy nhiên, 2 năm gần đây, khoảng 25 tháng Chạp, vợ chồng chị chuẩn bị lỉnh kỉnh quà cáp, chở nhau về quê.
Đến nhà bố mẹ chồng, chị Sao không nề hà vất vả, lao vào dọn dẹp nhà cửa. Chị còn trổ tài gói bánh, làm cỗ cúng tất niên.
Sáng 30 ăn tất niên ở nhà chồng xong, vợ chồng chị quay về nhà ở TP. Cao Bằng, tiếp tục làm cơm cúng cuối năm.
“Cúng kiếng xong xuôi, đến khoảng mùng 3 Tết, tôi lại về quê chồng ăn Tết đến rằm.
Cũng có năm, tôi giao việc thắp hương, cúng kiếng các mùng 1, 2, 3 cho con gái. Vợ chồng tôi về quê chơi Tết với bố mẹ chồng”, chị Sao nói.
Thấy chị Sao hiểu chuyện, bố mẹ anh Cương ngày càng yêu quý con dâu. Món gì ngon, ông bà cũng để phần cho con dâu. Biết chị Sao thích ăn thịt gà, ông bà ra vào chăm đàn gà béo núc ních.
Mặc dù, chị Sao có điều kiện kinh tế nhưng nhà chồng không đòi hỏi vật chất. Nhà chồng còn cho vợ chồng chị thoải mái chọn một mảnh đất xây nhà, đào ao thả cá…
Vợ chồng chị dự định lúc nào chán ở phố thì về quê, trồng rau nuôi gà, sống những ngày nhàn nhã.
Gái có công, chồng chẳng phụ
Với anh Cương, chị Sao là người vợ giỏi giang, đối nội đối ngoại chu toàn. Từ ngày lấy vợ, anh để chị quản lý tài chính.
“Đàn ông có nhiều tiền thường sinh tật, vợ không đề phòng nhưng tôi cũng phải chủ động tạo lòng tin với cô ấy.
Vả lại, người phụ nữ biết thu xếp, quản chuyện tiền bạc cũng hợp lẽ. Tôi chẳng cần tiêu gì, lâu lâu chỉ uống vài chén rượu với bạn bè.
Ở quê có đám tiệc hoặc bố mẹ tôi có việc, vợ tôi chủ động chi tiêu. Tết, cô ấy biếu tiền cho bố mẹ tôi mua sắm, lì xì cho các cháu…”, anh Cương chia sẻ.
Anh Cương khẳng định, sau 6 năm, gia đình anh vẫn trong ấm ngoài êm là nhờ một tay chị Sao quán xuyến. Chị tính toán chuyện làm ăn đâu vào đấy, chuyện bếp núc cũng khéo tay.
Bao năm sống chung, anh Cương chỉ mới 1 lần vào bếp, nấu trọn vẹn một bữa cơm. Ấy vậy, bữa cơm đó đối với chị Sao quý hơn vàng.
Chị Sao kể: “Trên đường từ Hà Nội về Cao Bằng, tôi có gọi cho chồng. Tôi báo cho anh biết, chứ không nói anh lo cơm nước chi hết.
Bình thường, nếu tôi bận việc và mệt thì cả hai sẽ đi ăn cơm hoặc phở ở quán. Lần này, tôi cũng định đi ăn ở quán.
Vậy mà, tôi bước vô nhà đã thấy cơm nước tươm tất, có đủ canh cải, thịt rang… Tôi vui đến mức phải khoe ngay với bạn bè”.
Ngoài những thay đổi đáng yêu đó, mối quan hệ giữa anh Cương và 2 con gái của chị Sao rất tốt.
“Lúc đầu, các con của tôi gọi anh Cương là chú và xưng cháu. Bây giờ, hai đứa thấy anh tốt tính nên toàn gọi chú, xưng con.
Tết đến, các con mừng tuổi tôi thì cũng mừng luôn tuổi chú. Chuyện gì cũng nghe lời chú, quý chú hơn cả mẹ”, chị Sao vui vẻ chia sẻ.
Mỗi năm, các con của chị đều về ăn Tết cùng mẹ và chú. Nhìn cảnh trên dưới thuận hòa, chị Sao chợt mỉm cười, thấy mình thật may mắn.
Ảnh: Nhân vật cung cấp