Thu phí tự động không dừng: Vướng mắc lớn nhất là thanh toán chưa thuận tiện
Thu phí không dừng hiện mới chỉ có hơn 20% phương tiện sử dụng. |
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải (GTVT), xung quanh những vấn đề liên quan đến triển khai dự án thu phí tự động không dừng, trước những ý kiến lo ngại dự án thu phí không dừng triển khai chậm, khó hoàn thành đúng lộ trình chỉ đạo của Thủ tướng... Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, về tiến độ của triển khai, đến nay có 26 trạm thuộc giai đoạn 1 của dự án đã cơ bản hoàn thành. Cụ thể, hiện đã vận hành thương mại được 23 trạm, 1 trạm đã vận hành thử nghiệm; 1 trạm đã lắp đặt, chưa vận hành do trạm chưa thu phí (trạm Cai Lậy), 1 trạm chưa triển khai do đang dừng thu. Trong số 18 trạm bổ sung vào dự án, đã vận hành thương mại được 2 trạm, đang chạy thử nghiệm 1 trạm, 15 trạm còn lại sẽ triển khai trong năm 2019. Như vậy, tiến độ triển khai dự án giai đoạn 1 cơ bản đáp ứng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 7/2017.
Giai đoạn 2 của dự án sẽ đầu tư hệ thống thu phí không dừng tại các trạm thu phí còn lại trên toàn quốc bao gồm 33 trạm. Thực hiện theo Nghị định số 15/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư và Nghị định số 30/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tổ chức sơ tuyển quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, có 4 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển.
Hiện, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Các trạm này theo tiến độ được duyệt sẽ hoàn thành trước 31/12/2019 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án được thực hiện tuân thủ đúng quy định pháp luật về đấu thầu.
Nói về những khó khăn, vướng mắc lớn nhất của dự án, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho hay, việc triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra về số lượng phương tiện tham gia dịch vụ. Đến nay mới có khoảng trên 700.000 phương tiện, trong tổng số trên 3 triệu ô tô trong cả nước dán thẻ E-tag.
Bên cạnh đó, do hệ thống thu phí tự động không dừng áp dụng công nghệ mới, đầu tư theo hình thức PPP rất phức tạp, liên quan đến lợi ích của nhiều chủ thể như: Nhà đầu tư, nhà cung cấp dịch vụ, các ngân hàng, người sử dụng đường bộ nên trong quá trình triển khai thực hiện còn phát sinh các tồn tại, hạn chế làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.
Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến tài khoản giao thông, việc nộp và quản lý tài khoản giao thông chưa được thuận tiện cho người sử dụng.
Theo quy định tại Quyết định số 07, tài khoản giao thông được định nghĩa là tài khoản trả trước giá dịch vụ sử dụng đường bộ. Tài khoản này được chủ phương tiện mở tại nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng, chủ phương tiện nộp tiền vào tài khoản trả trước để chi trả giá dịch vụ sử dụng đường bộ. Như vậy, tài khoản giao thông có đủ cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, vướng mắc chính liên quan đến việc thanh toán qua tài khoản giao thông không phải là cơ sở pháp lý mà là sự chưa thuận tiện cho người sử dụng trong việc nạp tiền, quản lý số tiền trong tài khoản khi nó chưa kết nối với các tài khoản cá nhân tại các ngân hàng.
Để tháo gỡ vướng mắc trên, tạo thuận tiện cho người sử dụng, hiện Bộ GTVT đang làm việc với Ngân hàng Nhà nước, một số ngân hàng cung cấp tín dụng xây dựng các phương án kết nối tài khoản giao thông với tài khoản cá nhân của các chủ phương tiện tạo điều kiện thuận lợi cho chủ phương tiện trong quá trình tham gia sử dụng dịch vụ. Đây là vấn đề mới, nên gặp phải vướng mắc về mô hình, tính pháp lý phải vừa làm vừa hoàn thiện.