Thủ phạm khiến hàng nghìn trẻ nhập viện mỗi năm mà cha mẹ vẫn vô tư sử dụng
Bông tăm đẩy ráy tai sâu vào bên trong |
Điếc vì bông tăm
Chị Nguyễn Thị Nga, trú tại Lê Đức Thọ, Cầu Giấy vẫn không thể nào quên được lần con gái chị vừa ngoáy tai vừa nô đùa khiến cháu bị ngã xuống đất. Bông tăm cắm vào tai gây thủng màng nhĩ và gây đau đớn cho bé. Chị vội đưa con vào Bệnh viện 198 cấp cứu, sau đó bé được chuyển sang Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương để điều trị.
Tuy nhiên, thính lực của tai bên trai bị bông tăm xiên vào vĩnh viễn không thể phục hồi được nữa. Chị Nga đau lòng vì chính mình đã gây ra tai nạn cho con.
Chị Nga kể, từ bé chị thường xuyên lây bông ngoáy tai để vệ sinh tai cho con, nhất là khi bé tắm xong, gội đầu. Từ đó việc ngoáy tai trở thành thói quen, vợ chồng chị còn dạy con cách ngoáy bông tăm. Lớn lên bé tự dùng bông tăm ngoáy tai cho mình, không cần phải sự hỗ trợ của người lớn.
Cùng hoàn cảnh chị Nga, chị Hoàng Bảo Ngọc – Hoàng Mai, Hà Nội vào viện với cái bông tăm cắm trong tai bởi khi chị đang ngoáy tai thì con gái chị nô đùa lao vào mẹ khiến bông tăm cắm vào tai gây đau đớn. Chị đi điều trị và chết điếng khi biết thính lực của mình đã giảm tới 70%.
Không chỉ bị mất thính lực, chị Ngọc tâm sự, chị thường xuyên bị viêm tai, ù tai sau tai nạn đó nên thi thoảng chị lại phải vào viện khám.
Tại Bệnh viện Nhi trung ương, bác sĩ Trần Thu Thủy cho biết, bệnh viện thường xuyên gặp các trường hợp bệnh nhi bị tai nạn do bông ngoáy tai mang lại. Nhiều trẻ đã bị thủng màng nhĩ do cha mẹ quá nhiệt tình ´nạo vét´, hoặc do bé tò mò, dùng tăm bông thọc vào tai mình đúng như cách mà mẹ vẫn làm với bé.
Ráy tai có tác dụng tốt
Một nghiên cứu mới được công bố trên The Journal of Pediatrics tiết lộ rằng, trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến 2010, hơn 263.000 trẻ tại Mỹ đã phải điều trị tại phòng cấp cứu vì chấn thương liên quan đến dụng cụ vệ sinh này.
Mặc dù nghiên cứu này được giới hạn độ tuổi của đối tượng nghiên cứu là dưới 18 tuổi nhưng tỉ lệ trẻ dưới 8 tuổi phải nhập viện khoảng 67% và tỉ lệ cao nhất thuộc nhóm trẻ dưới 3 tuổi. Chẩn đoán phổ biến hơn cả trong các trường hợp này là "sự hiện diện của vật thể bên ngoài và thủng màng nhĩ", điều này có nghĩa rằng miếng bông bị mắc kẹt trong ống tai, gây tổn thương màng nhĩ.
Bác sĩ Thủy cho biết ráy tai là hỗn hợp hòa tan trong nước của da chết, lông và chất tiết từ các tuyến nhầy ở ống tai. Ráy tai chỉ được hình thành ở 1/3 ngoài của ống tai, phần sâu bên trong gần với màng nhĩ không sản sinh chất này.
Ráy tai giúp điều hòa pH, diệt khuẩn, diệt nấm và bảo vệ lớp lót nhạy cảm của ống tai khỏi tác động của nước. Đây là một phần cơ chế tự bảo vệ của tai, giúp làm sạch, ngăn không cho bụi và vi khuẩn từ môi trường đi sâu vào bên trong tai, gây tổn thương hoặc nhiễm trùng màng nhĩ. Sự tích tụ của ráy tai không hề gây nhiễm trùng tai như nhiều người thường nghĩ.
Nhiều người nhầm tưởng rằng cần loại bỏ ráy tai hàng ngày như một biện pháp vệ sinh thân thể. Thực tế không phải như vậy, bình thường cha mẹ không cần làm vệ sinh ống tai cho bé. Trong đa số trường hợp, ống tai ngoài sẽ tự làm sạch.
Cùng quan điểm, PGS Nguyễn Thị Hoài An – Nguyên trưởng khoa Tai Mũi Họng trẻ em, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, bà gặp nhiều bệnh nhân vì lấy ráy tai dẫn đến các tai nạn đáng tiếc. Trường hợp hay gặp nhất là khi đang lấy ráy tai có người chạm khuỷu tay khiến tăm bông xuyên sâu ống tai gây biến chứng nặng.
PGS An cho biết, ráy tai có thể tự lấy nhưng khi ngoáy tai phải hết sức nhẹ nhàng. Tuy tăm bông mềm, đã được tiệt khuẩn nhưng ngoáy tai thô bạo gây xước da ống tai.
Đây là đường vi khuẩn thâm nhập vào gây viêm ống tai ngoài, bệnh nhân bị đau và há miệng cũng đau. Hầu hết những người viêm ống tai ngoài, khi đến bác sĩ khám đều hỏi có ngoáy tai không, đều nhận được câu trả lời là ngoáy tai thường xuyên.
"Không nên lấy ráy tai bằng bông tăm bởi bông tăm vô tình đẩy ráy tai sâu vào bên trong làm bít tắc ống tai của trẻ. Có thể dùng chiếc gim tóc có điểm đầu hình tròn cong đưa vào tai không gây tổn thương cho tế bào tai" – PGS An khuyến cáo.