Thu mua 10.000 tấn gạo cần 150-200 tỷ, doanh nghiệp thế chấp hết tài sản vẫn thiếu vốn
Tại Hội nghị Đánh giá hoạt động xuất khẩu gạo năm 2022 và bàn phương hướng xuất khẩu gạo năm 2023, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 21/2 tại TP.HCM, ông Nguyễn Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty Lương thực Phương Đông, nhận định, thị trường gạo trong nước lạc quan. Từ năm 2019 tới nay không có câu chuyện “giải cứu” lúa gạo, nhiều lúc còn không có gạo để bán.
Tuy nhiên, thời gian tới, lãi suất và nguồn vốn sẽ là vấn đề gây khó cho doanh nghiệp. Theo ông, với mức lãi suất từ 8-10% hiện nay, một số nhà máy gạo đã tính chuyện cho thuê lại bởi hoạt động không còn lợi nhuận nữa.
“Trong ngành lương thực, đa số doanh nghiệp đang phải thế chấp tất cả tài sản, doanh nghiệp không có đủ vốn để kinh doanh. Vào mùa vụ, doanh nghiệp không đủ tiền mua gạo trong dân”, ông Việt Anh nói.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hoàng Minh Nhựt cho hay, nếu không chuẩn bị nguồn tài chính trước thì các doanh nghiệp chắc chắn không có vốn thu mua gạo khi tới vụ, cung tăng nhưng doanh nghiệp không có tiền. Việc này đối với doanh nghiệp trong nước như “cơm dọn lên bàn mà không được ăn”.
Ông Nhựt cho hay, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước đã có nhưng đây là mệnh lệnh hành chính, các hệ thống ngân hàng bên dưới nếu cho vay cũng cần đảm bảo thu hồi vốn, lúc này, mệnh lệnh hành chính không thể giải quyết vấn đề. Do đó, cơ quan nhà nước cần ban hành gói chính sách khi tới vụ thu hoạch, cho doanh nghiệp tín chấp hoàn toàn, giúp giải quyết nhanh nguồn vốn, giữ giá lúa thu hoạch cho người dân.
“Thu mua 10.000 tấn gạo gần khoảng 150-200 tỷ đồng, vốn rất lớn. Nếu thu mua 1 triệu tấn thì sao có nổi tiền. Buôn tài không thể bằng dài vốn”, ông ví dụ.
Ngoài nguồn vốn và lãi suất, một vấn đề rất đáng chú ý cũng được nêu ra tại hội nghị đó là bất cập về logistics.
Đại diện Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất của nền nông nghiệp lúa gạo Việt Nam là logistics. Chúng ta có lợi thế sông ngòi, kênh rạch, có lợi thế chi phí vận chuyển từ khi thu hoạch về đến nhà máy rất rẻ, tuy nhiên, việc vận chuyển lại chỉ bằng phương tiện ghe.
Ước tính, tổn thất khối lượng sau thu hoạch tại Việt Nam từ 11-13%, còn chi phí tổn thất về chất lượng phải từ 3-5%, theo nghiên cứu từ doanh nghiệp này.
Cụ thể, đối với gạo hạt dài, 24 tiếng sau khi cắt, nếu không đưa kịp về nhà máy sấy thì ngay lập tức có hiện tượng lên men, bị hôi chua, gạo giảm chất lượng, một số dòng gạo thơm bị mất mùi, chất cơm ăn không còn được như ban đầu. Đại diện doanh nghiệp khẳng định, hệ thống đồng ruộng canh tác cũng như logistics yếu kém đang gây ảnh hưởng, tổn thất lớn chất lượng gạo.
Về vấn đề trên, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ông Phan Văn Chinh thừa nhận, kết nối logistics trong nước nhiều bất cập. Đơn cử, cước vận tải đường bộ đi ra đến cảng biển nhiều khi còn đắt hơn giá container xuất hàng đi Singapore hoặc Hong Kong (Trung Quốc). Ông mong muốn, doanh nghiệp tại địa phương có thể hỗ trợ đầu tư thêm về vận tải, các điểm bốc hàng, đóng container để trở sà lan thẳng ra cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu), cảng Cát Lái (TP.HCM) thuận tiện, trước khi xuất hàng.
Liên quan vấn đề vốn, ông Chinh đồng quan điểm, ngân hàng cũng gặp khó vì họ cũng là doanh nghiệp. Cần có cơ chế hài hòa giữa độ an toàn trong hoạt động của ngân hàng thương mại với các doanh nghiệp ngành gạo để cung ứng được nguồn vốn. Tín dụng không thiếu nhưng chủ yếu là chất lượng tín dụng.
Ông Chinh cho rằng ngân hàng có thể cho vay trên cơ sở hợp đồng xuất khẩu gạo mà doanh nghiệp đã ký với đối tác nước bạn.
Trần Chung