Thông xe toàn tuyến cao tốc hiện đại nhất Việt Nam
Sáng 8/2, tại Trạm thu phí Dầu Giây (km 52+300, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai), Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức thông xe toàn tuyến 55 km Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Đến dự lễ thông xe có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng và nhiều vị lãnh đạo TP.HCM, tỉnh Đồng Nai, đại diện chủ đầu tư, nhà thầu thi công.
Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây nằm trên tuyến đường bộ cao tốc phía Đông thuộc tuyến cao tốc nối TP.HCM với Quốc lộ 51, sân bay quốc tế Long Thành và Quốc lộ 1A. Dự án có chiều dài 55 km với tổng mức đầu tư khoảng 1 tỷ USD. Trong đó, vốn đầu tư cho giai đoạn 1 là hơn 20.000 tỷ đồng từ vốn vay thương mại, vốn vay ODA và nguồn vốn đối ứng.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây được đưa vào sử dụng là có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy kinh tế xã hội khu vực Đông Nam bộ trong đó có TP.HCM, Đồng Nai và các tỉnh lân cận.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi lễ |
“Tuyến cao tốc này đưa vào sử dụng như một lời tri ân sâu sắc đối với đồng chí, đồng bào chúng ta đã ngã xuống trên mảnh đất này khi tiến vào giải phóng Sài Gòn 30/4/1975. Đây là công trình thể hiện sự tri ân sâu sắc. Thay mặt chính phủ tôi đánh giá cao những nỗ lực cố gắng của Bộ GTVT, chủ đầu tư, lãnh đạo TP.HCM và tỉnh Đồng Nai, cán bộ kỹ sư, công nhân làm việc ngày đêm trên công trường suốt trong thời gian dài để vượt tiến độ 1 năm để nay đưa cao tốc vào sử dụng”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Hình ảnh lễ thông xe cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sáng 8/2:
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh thông xe... |
...và cùng các vị đại biểu cắt băng khánh thành. |
Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây được đưa vào sử dụng là có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy kinh tế xã hội khu vực Đông Nam bộ trong đó có TP.HCM, Đồng Nai và các tỉnh lân cận. |
Với tổng mức đầu tư khoảng 1 tỷ USD, Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được xem là tuyến cao tốc hiện đại nhất Việt Nam. Trong quá trình khảo sát, do điều kiện địa chất thủy văn khu vực xây dựng phức tạp nên Bộ GTVT và chủ đầu tư đã nghiên cứu thay đổi thiết kế một số hạng mục của dự án giúp giảm khoảng 2000 tỷ đồng so với dự kiến ban đầu. |
Dự án có 4 nút giao, 1 trung tâm điều hành với hệ thống ITS, 3 trạm thu phí, 1 trạm dừng nghỉ. |