Thời trang giả thương hiệu nổi tiếng tràn ngập thị trường mạng
Trung bình một bộ quần áo thể thao hàng hiệu của các hãng thời trang nổi tiếng có giá tiền triệu nhưng trên mạng người tiêu dùng chỉ bỏ ra hơn 100 nghìn đồng cũng có thể sắm cho mình bộ quần áo thể thao nhãn hiệu Adidas hay Nike.
Chị Minh Hương (Hà Nội) cho biết vào mùa đông, đang dịp bóng đá không khí thể thao sôi nổi nên chị đã mua cho cả gia đình đồng phục áo thể thao của Adidas về mặc.
Một bộ quần áo được quảng cáo hàng Việt Nam xuất khẩu nhưng giá chỉ có 189 nghìn đồng 1 bộ. Theo hướng dẫn của người bán đây là hàng tuồn ra ngoài nên giá rẻ còn giá thực cả triệu đồng.
Nhìn qua hình ảnh chất lượng nên chị Hương đặt mua. Khi nhận hàng, bà mẹ trẻ vô cùng thất vọng vì quần áo hàng giả nhãn mác ép xộc xệch, đường chỉ xấu, thậm chí vệ sinh công nghiệp không có.
Chị Hương ngậm bồ hòn làm ngọt, cũng không dám đưa ra cho chồng con mặc nên đành để vào một góc.
Trên các nền tảng bán hàng trực tuyến quần áo thể thao hàng Nike, Adidas được người bán rao rất nhiều giá đều rất rẻ thậm chí mua hai bộ giá chỉ còn dưới 150 nghìn đồng/bộ.
Chị Lê Thị Hường (Cầu Giấy, Hà Nội) có kinh nghiệm kinh doanh hàng hiệu cho biết tiền nào của đó. Đa phần các loại quần áo này là hàng gia công và người làm sẽ mua các nhãn mác của các hãng nổi tiếng và dán vào để làm hiệu cho bộ quần áo của mình.
Hàng giả nên chất lượng cực kỳ kém. Để mua các mẫu tem, mác của nhà sản xuất nổi tiếng chỉ cần lên mạng đặt mua với giá 1.000 đến 2.000 đồng/bộ nhãn mác về ép vào là thành hàng hiệu.
Một số sản phẩm cao cấp hơn được thêu nhưng vì hàng giả nên đường thêu, chỉ thêu chất lượng rất kém. Dù là hàng giả nhưng chị Hường cho biết thị trường hàng hiệu giả có sự phân cấp khá rõ ràng.
Trong đó, hàng hiệu siêu cấp là cụm từ mà giới kinh doanh thời trang dùng cho nhóm hàng hiệu giả như thật, nếu nhìn bằng mắt thường thì rất khó phát hiện ra được điểm nghi vấn hàng giả.
Mới đây nhất, Đội quản lý thị trường số 1, Cục quản lý thị trường TP.Hà Nội phối hợp với cơ quan cảnh sát kinh tế công an thành phố Hà Nội và cơ quan công an quận Cầu Giấy đã bắt giữ kho hàng ở đường Trần Vỹ với hơn 30 nghìn bộ quần áo mang thương hiệu của các hãng thời trang thể thao nổi tiếng như adidas, Nike… với các mẫu mã như các thương hiệu thời trang thể thảo nổi tiếng ở Nhật, Mỹ, Tây Ban Nha…
Toàn bộ số hàng này đều không có hóa đơn chứng từ. Chủ kho hàng cho biết mua sản phẩm này trôi nổi trên thị trường về bán kiếm lời.
Chủ hàng bán trên các nền tảng mạng xã hội như zalo, facebook. Cơ quan chức năng phải mất rất nhiều thời gian mới có thể điều trị và tạm giữ được số hàng này.
Theo ông Kiều Đình Tuấn – Đội quản lý thị trường số 1, Cục quản lý thị trường TP.Hà Nội toàn bộ hàng hóa in hình, chữ, logo có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm với các nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam. Các hàng hóa này có thể không có giấy tờ nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Ông Tuấn cho biết các chủ hàng này bán trên nền tảng mạng xã hội, giao hàng qua dịch vụ shiper nên rất khó để thẩm tra, xác minh được chủ tài khoản khó khăn hơn theo cách bán thông thường.
Việc xác định nơi tập kết hàng hóa, chủ tài khoản rất khó. Số hàng kinh doanh chưa đến 2 tỷ đồng nhưng đây là hành vi kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
Trước thực trạng hàng giả, hàng nhái đang tung hoành ngoài thị trường, Cục Quản lý thị trường Hà Nội mới đây đã lên kế hoạch tổng kiểm tra trong đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả… trên địa bàn toàn thành phố.
Theo lực lượng chức năng Hà Nội, gần đến Tết dương lịch và Tết Nguyên đán 2023. Lợi dụng thời điểm này, không ít gian thương sẽ tìm nhiều cách để kinh doanh, buôn bán, tiêu thụ hàng nhập lậu, hàng không đảm bảo chất lượng… để bán cho người tiêu dùng.
Khánh Chi