Thói quen ăn mặn của người Việt và cách giảm muối cực kỳ đơn giản
Nếu ăn một gói mì ăn liền với nguyên cả gói gia vị thì “ngày hôm đó không cần ăn thêm muối”, TS BS Trần Quốc Bảo (Cục Y tế Dự phòng) nói và nhấn mạnh “nếu tiếp tục ăn là thừa muối rồi”.
Ăn mì tôm với nguyên gói gia vị đã đủ lượng muối cho cả ngày (Ảnh minh họa) |
TS. BS Đỗ Thị Phương Hoa, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, các nghiên cứu đã chứng minh ăn nhiều muối là nguyên nhân quan trọng góp phần làm gia tăng tỷ lệ mắc tăng huyết áp và tử vong do các bệnh tim mạch.
Số liệu cho thấy hiện nay ở nước ta cứ 5 người trưởng thành thì có một người bị tăng huyết áp, cứ trong 3 trường hợp tử vong thì có một trường hợp là do các bệnh tim mạch.
Riêng trong năm 2016 ước tính toàn quốc có tới gần 82.000 trường hợp tử vong do tai biến mạch máu não và gần 68.000 trường hợp tử vong do bệnh tim thiếu máu cục bộ, chiếm tới 27% tổng số ca tử vong toàn quốc.
Thế nhưng trên thực tế, mức tiêu thụ muối trung bình của người trưởng thành Việt Nam gần gấp 2 lần mức khuyến cáo 9,4 gam muối/ngày. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo người dân nên sử dụng dưới 5g/ngày.
Vậy làm cách nào để giảm bớt lượng muối ăn hàng ngày? TS Hoa cho rằng có 3 nguyên tắc bà nội trợ hay bất kỳ người dân nào nên nhớ: bớt muối khi nấu ăn, chấm nhẹ tay khi ăn và giảm đồ mặn khi lựa chọn thực phẩm, khi nấu nướng và ăn…
“Hãy giảm từ từ cho đến khi giảm một nửa lượng muối và gia vị chứa nhiều muối mà bạn đang cho vào khi chế biến món ăn. Hãy nếm thức năn trước khi muốn cho thêm muối và gia vị nhiều muối. Không cho muối hoặc gia vị chứa nhiều muối vào nước luộc rau.
Hãy sử dụng các gia vị khác (tiêu, ớt, tỏi…) để ăn ngon hơn mà không cần dùng nhiều muối. Hãy tự nấu ăn ở nhà để có thể kiểm soát được lượng muối cho vào món ăn”, TS Hoa nhấn mạnh.
Ngoài ra, một thói quen của người Việt là chấm. Trên mâm cơm mỗi bữa ăn thường không thể thiếu bát nước mắm, đĩa muối gia vị… Để giảm muối, TS Hoa bày cách hãy hạn chế để muối và nước chấm trên bàn/mâm khi ăn.
“Người dân cần hạn chế chấm và bỏ thói quên chấm ngập thực phẩm vào nước chấm và gia vị chứa nhiều muối khi ăn. Thay vào đó, nên pha loãng nước mắm để chấm khi ăn và không chấm các món ăn đã mặn (món kho/rim/rang, dưa/cà/thịt/cá muối…) vào muối hay nước chấm.
Không ăn trái cây chấm với muối và gia vị nhiều muối. Không nên rưới nước mắm, nước kho cá/thịt, nước sốt vào cơm. Không nên cố uống hết nước phở, bún, miến nhất là khi ăn ở hàng quán”, TS Hoa chia sẻ.
Đặc biệt, người dân cũng hạn chế ăn các thực phẩm chế biễn sẵn chứa nhiều muối, tăng ăn thực phẩm tươi và hãy tăng cường ăn các món luộc thay cho các món kho, rim hay rang.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Quốc Bảo, Trưởng phòng kiểm soát bệnh không lây nhiễm (Cục Y tế Dự phòng) cho biết thêm một số gia vị, thực phẩm có nhiều muối gồm:
Muối ăn, nước chấm, nước mắm, nước tương, bột ngọt, mì chính, bột canh, hạt nêm…
Thực phẩm muối, lên men: dưa cà, tương ớt, mắm tôm, mắm tép, mắm cá…
Thức ăn kho, rang, rim: cá kho, thịt rang…
Thực phẩm khô: cá khô, tôm khô, mực khô, bò khô…
Thực phẩm chế biến sẵn: lạp xường, xúc xích, giò chả…
Thực phẩm công nghiệp: mì ăn liền, bim bim, thịt hộp, cá hộp
Trong khi đó, 5g muối tương đương với: 1 thìa cà phê đầy muối; 8g bột canh (bằng 1,5 thìa cà phê đầy); 11g hạt nêm (bằng 2 thìa ca phê đầy); 25g nước mắm (bằng 2,5 thìa ăn cơm); 35 g xì dầu (bằng 3,5 thìa ăn cơm) và bằng một lượng gia vị mặn trong 1 gói mì ăn liền.
Do đó, nếu ăn một gói mì ăn liền với nguyên cả gói gia vị thì “ngày hôm đó không cần ăn thêm muối”, TS Trần Quốc Bảo nói và nhấn mạnh “nếu ăn đã là thừa muối rồi”.
N. Huyền