Thời gian đàm phán với Triều Tiên đã hết, Mỹ sẽ làm gì tiếp theo?
Các lãnh đạo thế giới kêu gọi cân nhắc lại chiến thuật đối với Bình Nhưỡng, đồng thời cảnh báo tình hình có thể leo thang trầm trọng hơn.
Theo CNN, trong cuộc họp tối muộn ngày 30/7, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Nikki Haley đã gạt bỏ khả năng Washington trông chờ vào hành động của Hội đồng Bảo an LHQ như mọi lần. Bà Haley cho rằng Triều Tiên “là chủ điểm trong hàng loạt nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an mà dù Bình Nhưỡng vi phạm vẫn không bị trừng trị đích đáng”.
Đại sứ Mỹ khẳng định: “Thời gian để đàm phán đã kết thúc. Bắc Kinh cần phải quyết định cuối cùng có sẵn sàng để tiến hành bước đi sống còn, thách thức Bình Nhưỡng hay không”.
Các cường quốc thế giới vẫn đang loay hoay tìm cách đối phó với Triều Tiên. Nguồn: CNN |
Phát biểu của bà Haley tỏ rõ sự đồng tình với Tổng thống Donald Trump khi ông nói rằng “rất thất vọng với Trung Quốc”. “Những lãnh đạo trước đây của chúng ta đã cho phép Bắc Kinh kiếm được hàng trăm tỷ USD một năm nhờ thương mại song phương nhưng họ lại không làm gì với Triều Tiên, mà chỉ nói chuyện”, ông Trump viết trên Twitter hôm 29/7.
Trong ngày hôm nay (31/7), Tổng thống Mỹ cũng đã điện đàm với người đồng cấp Nhật Bản, Shinzo Abe, cam kết tăng cường áp lực kinh tế và ngoại giao lên Triều Tiên.
Vào cuối tuần qua, Mỹ đã tiến hành một số hoạt động nhằm đáp trả vụ thử tên lửa tầm xa mới nhất của Triều Tiên, bao gồm thử thành công hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Alaska và cử hai máy bay ném bom B-1 từ Guam thực hiện cuộc tuần tra kéo dài 10 tiếng trên khu vực bán đảo Triều Tiên.
Không có lựa chọn nào tốt hơn?
Cấm vận và gây áp lực từ phía Trung Quốc trở thành biện pháp chính trong nỗ lực ngăn chặn chương trình tên lửa và hạt nhân Triều Tiên, song phương pháp này không đem lại kết quả. Mặc dù vậy, một số nhà phân tích và các quan chức chính quyền Mỹ vẫn cho rằng các lệnh trừng phạt này chưa đủ mạnh và chưa nhằm vào những đối tượng chính xác.
Susan Thornton, quyền Bộ trưởng Cục Đông Á Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cho rằng: “Bắc Kinh giờ đây đã hiểu rất rõ rằng chúng ta cần phải nhằm vào các cá nhân và công ty Trung Quốc nếu cần thiết”.
Những lần thử tên lửa của Triều Tiên từ đầu năm 2017 đến nay. Nguồn: CNN |
Cả chính quyền Obama và Donald Trump đều đặt “gánh nặng” lên hành động của Bắc Kinh đối với người hàng xóm và cũng là đồng minh lâu năm, song một số chuyên gia cảnh báo việc dựa dẫm quá nhiều vào sức ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên đã trở nên lỗi thời.
“Các kênh liên hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đã yếu thế và thành lối mòn. Những bài đăng trên Twitter của Tổng thống Trump cho thấy ông thừa kế quan điểm của người tiền nhiệm Obama rằng con đường tới Bình Nhưỡng là thông qua Bắc Kinh. Đó chính là “điểm chết” của vấn đề”, John Delury, chuyên gia quan hệ Triều Tiên – Trung Quốc của ĐH Yonsei, Hàn Quốc, phân tích.
Mike Chinoy, tác giả cuốn sách “Bên trong cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên”, cho CNN biết năm ngoái rất nhiều quan chức cấp cao Triều Tiên đã bày tỏ thái độ “phẫn nộ” với Trung Quốc. Họ không thích ý tưởng rằng Bắc Kinh có thể tới Bình Nhưỡng và bảo họ phải làm gì. “Và sự thực là Trung Quốc cũng không thể làm gì được”, ông cho biết.
Ngoài đòn đáp trả trên, sau vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên, giới chức quân sự Mỹ và Hàn Quốc còn thảo luận về các lựa chọn "quân sự”. Hàn Quốc đã đề nghị Mỹ cấp thêm các hệ thống phòng thủ tên lửa.
Trong khi đó, Nhật Bản đã tổ chức họp khẩn vì vụ phóng tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng. Sau cuộc họp này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố, hành động của Bình Nhưỡng thể hiện rõ ràng họ là một mối đe dọa thực sự và rất nghiêm trọng. Tokyo kêu gọi các nước khác như Mỹ, Nga, Hàn Quốc và Trung Quốc tăng cường gây áp lực hơn nữa lên Bình Nhưỡng.